Thuỵ Sĩ và sự trung lập

Thuỵ Sĩ là đất nước duy nhất nằm giữa lòng Châu Âu nhưng không tham gia liên minh Châu Âu và hiển nhiên là họ cũng không tham gia NATO, thậm chí cả Liên Hiệp Quốc, đến mãi những năm 2000 họ mới đồng ý tham gia.

Chính sách của họ là không liên minh với bất kỳ nước nào, không ngả theo bất kỳ phe phái nào trên thế giới. Phương châm của họ gói gọn trong một câu đơn giản: “Tụi bây muốn làm gì làm, để tao yên là được.”

Nhưng thế giới mà chúng ta đang sống, không phải cứ nói trung lập là được trung lập. Vậy làm sao Thuỵ Sĩ vẫn giữ được sự trung lập của mình?

. . .

Đầu tiên, họ thực hiện triệt để sách lược: muốn có được hoà bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh.

Nhìn vào bản đồ, chúng ta sẽ thấy không có nhiều con đường dẫn vào Thuỵ Sĩ. Họ cố ý hạn chế xây dựng những con đường mà kẻ thù có thể dùng để hành quân vào nước họ.

Và suốt dọc những con đường này, họ đều cố tình xây dựng để có thể phá huỷ tất cả khi cần. Nếu là đường thì họ cài bom ở những vị trí trọng yếu, nếu là hầm thì họ đặt chất nổ suốt dọc đường hầm, thậm chí ở những cây cầu họ còn đặt thêm đại bác để nếu chất nổ không hoạt động thì chính họ sẽ bắn cho sập.

. . .

Ngoài ra, địa hình Thuỵ Sĩ có đến một nửa là núi non trùng điệp, người Thuỵ Sĩ lại nổi tiếng giỏi “đào tường khoét vách”. Và họ dùng chính những kỹ năng này để xây dựng những pháo đài nằm sâu trong lòng núi, trong đó họ trang bị đầy đủ khí tài, bệnh viện, nơi ăn chốn ở tiện nghi. Đây là những nơi họ có thể dễ dàng rút lui vào để sống và chiến đấu một cách an toàn.

Đó là chưa kể khắp đất nước Thuỵ Sĩ còn có vô số hầm chống bom, rất nhiều trong số đó chống được cả bom hạt nhân. Họ là đất nước duy nhất trên thế giới có lượng hầm tránh bom nhiều hơn cả tổng nhu cầu của toàn bộ dân số.

Song song đó là lực lượng quân sự, tuy là trung lập nhưng Thuỵ Sĩ chuẩn bị khí tài và kỹ năng chiến đấu rất mạnh. Người Thuỵ Sĩ có câu nói: “để có được hoà bình, chúng ta phải có đại bác”.

. . .

Và cuối cùng là một chiến lược không sạch sẽ gì cho lắm, đó là họ chọn làm túi tiền cho cả thế giới, họ giữ tiền cho bất kể nước nào, bất kể cá nhân quyền lực nào.

Trong thế chiến thứ hai, Thuỵ Sĩ là nước giữ tiền không chỉ cho Đức Quốc Xã mà còn cho cả các nước đồng minh.

Kiểu như cả đám con nít đánh lộn, cử ra một đứa ngồi giữ dùm tiền bạc tư trang. Bản thân cái đứa đó cũng có nội lực, muốn đánh nó cũng trầy vi tróc vẩy, mà có đánh được thì kết quả không khéo còn mất nhiều hơn là được.

Chính điều này đã giúp cho Thuỵ Sĩ tránh được cả hai cuộc đại chiến thế giới. Khi mà cả thế giới loạn lạc, họ vẫn ngồi rung đùi hút thuốc đếm tiền.

Có thể nói Thuỵ Sĩ không từ bất kỳ nỗ lực nào, hoặc nói chính xác hơn là không từ bất kỳ thủ đoạn nào – kể cả những hành động không sạch sẽ gì mấy – chỉ để đạt được mục đích của cùng của họ: đó là trung lập.

. . . . .

Chính vì không dễ có được sự trung lập đó mà suốt hàng trăm năm qua, họ kiên quyết đứng ngoài mọi cuộc xung đột phe phái, tất cả các cuộc chiến tranh đều không có bóng dáng của họ, họ không bênh bên nào, cũng không chỉ trích bên nào.

Cũng vì vậy mà ngày hôm qua, cả thế giới tròn mắt sửng sốt khi lần đầu tiên trong lịch sử, Thuỵ Sĩ từ bỏ sự im lặng của mình để áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, phong toả các tài khoản mà Nga đang có ở các ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Khi quyết định điều này, họ không chỉ lảm ảnh hưởng đến uy tín nổi tiếng của hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ, mà xa hơn còn là ảnh hưởng đến chính sách trung lập mà cha ông họ bao đời nay đã cố gắng xây dựng.

Hình ảnh này không khác gì đến mức các thầy tu cũng chịu hết nổi, phải rút lựu đạn ra và nói: “Vừa phải thôi nha mậy!”

Site Footer