Thủy chiến Thị Nại – Những thiên anh hùng ca

Đến sáng hôm sau, trận thủy chiến Thị Nại coi như đã xong với chiến thắng thuộc về nhà Nguyễn. Để có được chiến thắng này, quân Nguyễn đã chịu thiệt hại không nhỏ, hơn 4000 binh sĩ tử trận trong đó có Thủy sư Đô đốc Võ Duy Nghi.

Nhưng phía Tây Sơn còn thiệt hại nặng nề hơn, toàn bộ hạm đội ở Thủy Nại – có thể hiểu như toàn bộ sức mạnh hải quân của Tây Sơn lúc bấy giờ – bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo số liệu thống kê thì tổng cộng Tây Sơn mất hơn 20.000 quân, 1800 chiến thuyền, hơn 600 đại pháo đủ cỡ. Gần đây có tin người ta vừa trục vớt được một trong những khẩu đại pháo tại vùng biển này.

Những thiên anh hùng ca

Sau khi thất thủ cửa biển, đô đốc Võ Văn Dũng cho thu quân và đổ bộ lên bờ phối hợp cùng nhánh quân bộ của tướng Trần Quang Diệu trấn giữ các nơi trọng yếu, nhằm không cho quân Nguyễn đổ bộ. Lúc này tuy đã mất Thị Nại nhưng đại quân trên bộ của Tây Sơn vẫn còn rất mạnh, quân Nguyễn tuy đã làm chủ được mặt biển nhưng vẫn không thể đổ bộ được. Kế hoạch hội 2 cánh quân thủy bộ do đó vẫn không thể thực hiện được, quân Nguyễn vẫn không thể giải vây được thành Bình Định.

Nguyễn Ánh nhiều phen cho quân tổng lực tập kích nhằm đổ bộ, tuy nhiên vẫn không thể nào vượt qua được lực lượng trấn giữ bờ biển và dàn đại pháo từ trên núi của Trần Quang Diệu.

Phía Tây Sơn, tướng Trần Quang Diệu cũng không muốn tiếp tục kéo dài, ông tiến đánh ngày đêm quyết tâm hạ cho bằng được thành Bình Định. Tình thế trong thành lúc này vô cùng nguy ngập, trong thành binh sĩ hết lương thực không còn sức chiến đấu. Trước tình hình trên, Nguyễn Ánh cho người bí mật lẻn vào thành truyền lệnh cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải bỏ thành, tìm đường thoát ra biển để hạm đội bên ngoài đón.

Một góc thành Bình Định ngày nay

Võ Tánh đọc xong thánh chỉ, ông trầm tư rồi viết thư trả lời kêu sứ giả mang về cho Nguyễn Ánh. Trong thư ông một mực phân tích rằng hiện tại toàn bộ đại quân của Tây Sơn đều tập trung ở thành Bình Định:

“Điều đó nghĩa là ở kinh đô Phú Xuân đang bỏ ngõ, nếu lúc này quân ta chuyển hướng ra Phú Xuân ắt sẽ chiếm được, từ đó sẽ giúp thay đổi đại cuộc và kết thúc chiến tranh. Phận thần, làm tướng mà không giữ được thành thì phải chết với thành, đó là lẽ hiển nhiên, huống hồ cái chết của thần sẽ góp phần thống nhất sơn hà, vậy hà cớ gì không thể mỉm cười nơi chín suối. Thánh thượng là thiên tử, không được vì tình riêng mà quên đi đại cuộc. Xin thánh thượng hãy cho chuyển hướng đại binh ra Bắc đánh chiếm Phú Xuân”.

Đọc thư của Võ Tánh, Gia Long cho họp bàn các tướng lại trên soái hạm, ông một mực không chấp thuận: “Võ Tánh theo ta từ những ngày đầu lập nghiệp, trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, nay nghiệp lớn chưa thành, một ngày vinh hoa chưa hưởng. Ta đi đồng nghĩa với việc đưa Võ Tánh vào chỗ chết, sau này làm sao có thể ngẩng mặt nhìn thiên hạ mà trị vì?”

Mọi người đều trầm ngâm, sau khi luận bàn, Tả quân Lê Văn Duyệt thay mặt các tướng đứng ra can ngăn vua Gia Long: “Là tướng võ, mong muốn của Võ Tánh là được chết theo thành – nhờ đó xoay chuyển được đại cuộc. Nay nếu thánh thượng vì cứu Võ Tánh mà đi sâu vào giao chiến với đại binh của Tây Sơn, cứu được Võ Tánh rồi không biết đến bao giờ chiến tranh mới kết thúc. Một đằng được chết cho non sông vươn lên, một đằng là vì sự sống của mình mà kéo dài chiến tranh. Liệu rằng điều đó có công bằng cho Võ Tánh? Xin thánh thượng lắng nghe lời Võ Tánh: người là thiên tử, nhất định phải gạt bỏ tình riêng mà vì thiên hạ”.

Nguyễn Ánh trầm ngâm quay về phòng, sáng hôm sau ông ra lệnh hợp quân với bộ binh của tướng Nguyễn Văn Trương tiến thẳng về Phú Xuân, giao cho tướng Nguyễn Văn Thành ở lại kềm chân Trần Quang Diệu với hy vọng mong manh sau khi đánh chiếm xong Phú Xuân sẽ quay trở về giải cứu Võ Tánh.

Hạm đội chuyển hướng ra Phú Xuân

Ngày 5 tháng 6 năm 1801, ông cho hạm đội chuẩn bị rời Thị Nại, trước khi soái hạm của mình quay đầu chuyển hướng, lần đầu tiên ông phá lệ (là thiên tử không được quỳ lạy trước bấy kỳ ai ngoài trời đất và tổ tiên), Nguyễn Ánh đã quỳ xuống hướng về thành Bình Định chắp tay lạy. Chứng kiến cảnh tượng đó các quan tướng xung quanh ai nấy đều ngậm ngùi.

Nguyễn Ánh đi rồi, thành Bình Định cũng kiệt quệ. Có một câu chuyện kể lại rằng các binh sĩ vì quá đói nên đã trộm cắp lương thực của dân trong thành, Võ Tánh bắt được mang ra trước quân lính và dân chúng, ông nói: “Chúng ta còn giữ thành được tới ngày hôm nay là do lòng dân vẫn còn ủng hộ, nếu trộm cắp của dân như vầy thì quân ta như phường giặc cướp hay sao? Mang ra chém!”

Tên lính khóc van nói: “Xin chủ tướng tha mạng, cả đội lính dưới quyền vì quá đói nên thuộc hạ mới làm càn”.

Dân làng xung quanh cũng can ngăn, trước tình cảnh đó, Võ Tánh ngước mắt lên trời: “Để đến ngày hôm nay, tội lớn nhất là ta. Anh em yên tâm ta đã có cách, ngày mai tất cả sẽ thoát khỏi cảnh này”. Nói đoạn ông quay trở về lầu chỉ huy, nói với thượng thư Ngô Tùng Châu: “Sau khi ta đi rồi, huynh ở lại lo cho các anh em, cố gắng bảo toàn mạng sống của mình và các anh em”.

Ngô Tùng Châu gạt nước mắt nói: “Võ có trung can lẽ đâu Văn lại không nghĩa khí. Tôi xin vô phép đi trước ngài”.

Rồi Võ Tánh lên lầu bát giác, phóng hỏa tự thiêu để lại một lá thư tuyệt mệnh gửi cho tướng Trần Quang Diệu. Thượng thư Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn.

Sau khi Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chết, quân Nguyễn mở cửa thành đầu hàng. Trần Quang Diệu cưỡi ngựa đi chậm giữa quân lính 2 bên, ông đến đài chỉ huy tiếp nhận thư tuyệt mệnh của Võ Tánh. Trong thư Võ Tánh nói: “Phận làm tướng, ta không giữ được thành lẽ hiển nhiên phải chết theo thành. Chỉ một mong muốn sau cùng, anh em binh sĩ không có tội tình gì, xin ngài hãy vì đức lớn mà đừng làm hại, cũng như ngày trước khi chiếm được thành Quy Nhơn, quân Nguyễn đã không giết hại những binh sĩ Tây Sơn giữ thành”.

Lầu Bát Giác ngày nay

Trần Quang Diệu ra lệnh tẩm liệm thi hài Võ Tánh và Ngô Tùng Châu làm lễ hậu táng trang nghiêm. Trong lễ hậu táng ông bước đến cúi đầu trước vong linh một võ tướng trung dũng dù là ở phe đối nghịch. Sau đó ông cho tập họp tất cả quân Nguyễn lại và nói: “Các ngươi may mắn có được một chủ tướng kiên trung mà cả dân chúng lẫn đối thủ đều kính phục. Nay theo mong muốn tướng Võ Tánh. Các người có thể ở lại Quy Nhơn này lập nghiệp, trở lại quê nhà làm ăn, thậm chí có thể quay trở về với Nguyễn Ánh chống lại ta. Ta đảm bảo mạng sống cho các ngươi rời khỏi thành.”

Khung cảnh trang nghiêm bi hùng. Tất cả quân Nguyễn trong thành hôm đó, không một ai quay trở lại con đường binh đao chống lại Trần Quang Diệu.

Tượng Trần Quang Diệu trong bảo tàng Quang Trung

Trận Thị Nại đã góp phần quan trọng xoay chiển đại cuộc thời bấy giờ, giúp cho việc kết thúc chiến tranh nhanh hơn. Sau chiến thắng ở Thị Nại thì gần như tất cả tàu thuyền của nhà Nguyễn có thể tự do đi lại ngoài biển. Đúng như tình hình nhận định, sau khi chuyển hướng đại binh ra Phú Xuân, Nguyễn Ánh trong thời gian ngắn đã chiếm được kinh đô Phú Xuân và từ đó thống nhất toàn bộ đất nước.

Ngày mồng 1 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), ông lên ngôi ở Phú Xuân, lấy hiệu là Gia Long, ý nghĩa là từ nay đất nước đã được thống nhất một dải từ Gia Định đến Thăng Long.

Vua Gia Long

Lên ngôi rồi, công lao và cái chết trung dũng của Võ Tánh vẫn luôn đau đáu trong suy nghĩ của ông. Và ông đã cho làm tất cả những gì có thể để vinh danh sự hy sinh của người tướng trung kiên ấy.

Vì cơ nghiệp chín đời bị giày xéo, lòng căm giận hơn 20 năm nằm gai nếm mật, Gia Long đã cho tiến hành xét xử thảm khốc vua quan nhà Tây Sơn (việc mà cho đến nay vẫn còn bị rất nhiều sử sách lên án). Trong cuộc xét xử này, vua Gia Long đã rất mạnh tay, lý do trả thù tôi cho rằng chỉ là một trong những lý do, mà lý do lớn hơn có lẽ là lúc đó đất nước vừa mới thống nhất, cả nước vẫn còn nhiều rối loạn, những người thân Tây Sơn và các phe phái khác vẫn còn nhiều nên Nguyễn Ánh muốn dùng sự kiện này để răn đe tất cả các phe chống đối.

Tất cả những ai có liên quan đến Tây Sơn đều bị áp dụng hình phạt tru di cửu tộc. Những người hiếm hoi thoát được là những người đã bỏ đi biệt xứ, thay đổi tên họ. Riêng các trọng thần của Tây Sơn thì đều phải chịu những hình phạt cao nhất như lăng trì, ngũ mã phanh thây (chính xác hơn là dùng voi chiến).

Riêng trường hợp của tướng Trần Quang Diệu, ông là một trong những rường cột của Tây Sơn và theo chiếu thì chắc chắn sẽ là người hứng chịu sự trừng phạt nặng nhất. Nhưng nhờ những ơn nghĩa đã đối xử với Võ Tánh kể trên mà Gia Long đã xét xử ông nhẹ hơn rất nhiều. Thay vì tru di cửu tộc và bản thân bị xử ngũ mã phanh thây, ông được giảm xuống chém ngang lưng (có tài liệu nói là chém đầu – nhẹ hơn cả án chém ngang lưng) và được Gia Long chấp thuận cho mẹ ông được sống.

Lưu danh ngàn đời

Câu chuyện về tướng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trần Quang Diệu chính là nguồn cảm xúc để tôi viết nên toàn bộ loạt bài này. Võ Tánh là người duy nhất hiếm hoi không phải là dân Bình Định nhưng lại được người dân nơi đây truyền tụng bằng câu ca dao:

Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm!

Sinh thời, vì nhiều công trạng vào sanh ra tử cùng nhà vua mà ông đã được Nguyễn Ánh gả em gái của mình là công chúa Ngọc Du. Khi được tin Võ Tánh hy sinh, công chúa Ngọc Du đã làm bài thơ khóc chồng đẫm nước mắt sau:

Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè binh địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!

Gia Long trước sau vẫn nhớ về sự hy sinh kiên trung vì nghiệp lớn của Võ Tánh. Ông là người duy nhất trong tất cả các đại tướng Bình Tây được phong đến tước Quốc Công, những tướng khác Châu Văn Tiếp, Võ Duy Nghi, Nguyễn Văn Trương và cả tướng Nguyễn Huỳnh Đức cũng chỉ được phong đến tước quận công là hết. Bài vị của ông cũng được đặt cách thờ tại Thế Miếu – nơi chỉ dành riêng cho hoàng tộc.

Lăng mộ Võ Tánh (phải) và Ngô Tùng Châu (trái) trong thành Bình Định

Mộ ông tại Bình Định sau này Gia Long xây dựng lại chính tại vị trí mà Trần Quang Diệu đã chôn cất khi xưa. Ngày nay khi thăm thành cổ Bình Định, ta vẫn còn thấy ngôi mộ này. Mộ ông hình bầu dục trên có khắc hình con dơi (vẫn chưa hiểu ý nghĩa tại sao), gần đó là mộ thượng thư Ngô Tùng Châu hình chữ nhật. Sau đó Nguyễn Ánh cho cải táng và chôn ở bắc thành Gia Định – khu vực đường Hồ Văn Huê ngày nay, có dịp tôi sẽ viết bài chi tiết hơn, nhưng có tài liệu nói mộ này chỉ chôn hình nhân bằng sáp do Võ Tánh đã tự thiêu không còn thi hài.

Trước năm 1975 ở Sài Gòn có 2 con đường được đặt tên là Võ Tánh, một ở khu vực đường Nguyễn Trãi bây giờ và một ở khu vực đường Phan Đăng Lưu (gần mộ ông).

Khi được nghe kể về những câu chuyện trên, trong lòng tôi dấy lên một niềm tự hào sâu sắc về tinh thần thượng võ của dân tộc, về cách mà người xưa cư xử với nhau dù là bạn hay thù. Xen lẫn đó là chút xót xa khi đất nước xưa nay cứ phải trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến, lại là nội chiến khốc liệt đã đẩy những con người kiên trung của cả hai phe phải chống lại nhau.

Những câu chuyện trên, chuyện về một võ tướng vị quốc vong thân Võ Tánh, một tướng Trần Quang Diệu dũng mãnh nhưng cũng đầy tình người và tinh thần thượng võ, một hoàng đế Gia Long vẹn nghĩa trước sau. Khi đó tôi đã tự hứa với bản thân mình là đến một lúc nào đó sẽ viết lại những câu chuyện đã được nghe, được đọc này lại. Để truyền một phần nào sự tự hào đó cho những bạn bè xung quanh.

Và cũng để biết rằng nước ta đã một thời có nền hải quân hùng mạnh bậc nhất trong khu vực, khi mà hạm đội của chúng ta bao quát gần như toàn bộ biển đông và Vịnh Thái Lan. Chính vua Gia Long là người đã tiên phong cho tiếp quản các hải đảo xa xôi Hoàng Sa – Trường Sa để sau này vua Minh Mạng (con vua Gia Long) đã cho thành lập Hải Đội Hoàng Sa để bảo vệ xác lập chủ quyền trên những hòn đảo mà người Trung Quốc hiện nay đang ngang nhiên chiếm giữ. Viết với ước mong một ngày không xa, hải quân ta sẽ trở lại lớn mạnh hơn, tiếp bước cha ông gìn giữ đất mẹ.

Vẫn ước mong có một ngày nền điện ảnh nước nhà đủ lớn để có thể truyền tải được những câu chuyện này đi xa hơn, thay vì chỉ là một bài blog nằm trong góc kẹt này. Từng trang sử của đất nước ta, không hiếm những câu chuyện bi thương hùng tráng như vậy.

10.10.2010


Các sử liệu sử dụng trong bài

  • Việt Sử Tân Biên – tác giả Phạm Văn Sơn.
  • Việt Nam Sử Lược – tác giả Trần Trọng Kim.
  • Gia Định Xưa – tác giả Huỳnh Minh.
  • Kể Chuyện Lịch Sử Việt Nam – Ấp Tây Sơn – Tác giả: Nguyễn Bích Ngọc.
  • Thành Hoàng Đế – Kinh đô vương triều Tây Sơn – tác giả Lê Đình Phụng.
  • Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Nguyễn Đắc Xuân.

* Các sách trên đa số có thể mua tại các nhà sách ở Sài Gòn. Trừ 2 quyển: Việt Sử Tân Biên – cuốn này xuất bản từ rất lâu. Tôi may mắn photo được từ bản gốc (khoe 😀 ) và cuốn Thành Hoàng Đế – Kinh đô vương triều Tây Sơn xuất bản năm 2007, hiện tại cũng không còn thấy bán.  Cuốn Gia Định Xưa cũng khó kiếm, nhưng thấy trên Sahara vẫn còn hàng.

Ngoài ra trong bài có dùng một số nguồn thông tin tôi được nghe lại từ những chuyến lang thang các vùng miền ở Việt Nam. Như đã nói, tôi không có ý định viết bài này như một bài nghiên cứu lịch sử – vì nếu bài nghiên cứu lịch sử thì các tư liệu, thông tin phải chuẩn mực, tất cả phải được kiểm chứng chính xác – Khi viết bài này, tôi chỉ mong muốn được kể lại một cách hệ thống các giai thoại, các câu chuyện tôi đã được nghe, được đọc từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

– Câu chuyện về cái chết của tướng Võ Tánh và thượng thư Ngô Tùng Châu và giai thoại khi vua Gia Long khấn lạy về hướng thành Bình Định trước khi lên đường ra Phú Xuân. Tôi được nghe từ một cụ ông hiện đang sống ở Bình Định kể lại và một cụ ông khác tên An, hiện đang sống ở quận 12.

– Câu chuyện về việc ân xá giảm hình phạt cho tướng Trần Quang Diệu và mẹ già tôi được nghe từ 2 nguồn thông tin, một từ một người trong hoàng tộc nhà Nguyễn, hiện đang sống ở Lâm Đồng . Và một là từ chú Nam ở Vũng Tàu, là người có nhiều năm tìm hiểu và sưu tầm nhiều giai thoại về vương triều Tây Sơn.

...

Thủy chiến Thị Nại

32 comments On Thủy chiến Thị Nại – Những thiên anh hùng ca

  • Em thấy kênh Đuốc mồi chuyên làm sử Việt này cũng hay! anh Hiếu xem thử ạ!
    https://www.youtube.com/watch?v=sMeWmUlzz74

    3
  • Thủy Hỏa Ký Tế

    Nếu Thủy chiến Thị Nại là trận Xích Bích VN thì nội chiến Gia Long – Quang Trung không khác Hán Sở tranh hùng của VN. Trang sử oai tráng và bi hùng của dân tộc . Nếu có ai đó chuyển thể thành tiểu thuyết lịch sử hoặc tác phẩm điện ảnh . Cảm ơn tác giả.

  • Liên Quốc

    Trận thủy chiến Thị Nại có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ, đó là trận Xích Bích ở cuối thời Đông Hán bên Trung Quốc.
    Cả hai trận đánh đều diễn ra trong các cuộc nội chiến giành quyền làm chủ đất nước, đều diễn ra trên mặt nước với quy mô rất lớn, quy tụ hầu như toàn bộ lực lượng của thủy quân của các bên tham chiến, và đặc biệt là lực lượng chiến thắng đã dùng lối đánh hỏa công dựa vào hướng gió thuận lợi.
    Về đề tài này (Trận Thị Nại), có khá nhiều bài viết của nhiều tác giả.
    Nhưng tôi tâm đắt bài này nhất. Xin phép tác giả, được chia sẻ bài viết.
    Xin cảm ơn tác giả!

  • Trân trọng cám ơn tác giả có bì viết quá hay về chiến sử nước nhà. Nhiều thông tin, nhiều cứ liệu, nhiệu cảm xúc. Xin phép được chia sẻ loạt bài này trên FB. Mong đón nhận được nhiều bài chiêm nghiệm hơn.

  • Xin phép được share bài của anh. Mong anh khoẻ đẻ viết tiếp nhiều nài hay, dữ kiện phong phú

  • Đọc blog anh lâu rồi nhưng giờ mới đọc đến bài này. Có lẽ anh biết rồi nhưng em cũng có chút thông tin lý giải về hình con dơi trên lăng mộ cụ Võ Tánh: đấy là bởi vì tiếng Hán con dơi là “bức”, đọc âm gần giống như “phúc” – nghĩa là may mắn. Vậy nên hình tượng con dơi xuất hiện rất nhiều ở các đền, miếu, lăng mộ, thậm chí là cả trên nhạc cụ.

  • Anh vô tình biết, đọc và thích nhiều điều ở blog của Apo 🙂 Cảm phục tuổi trẻ tài cao! Chúc em nhiều thành công hơn nữa. Anh xin phép share một số thông tin của Apo vì mục đích cho nhiều người biết nhé!

    Cám ơn Apo nhiều 🙂

    1
  • Xin phép được chia sẻ bài của anh trên facebook nhé.

  • Bài viết hay quá, khâm phucja anh quá, cách viết rất dễ hiểu, kiến thức chuyên sâu đáng tin cậy.
    Cảm ơn anh.

  • Đúng là lúc đầu em cũng bị nhồi sọ bởi SGK, nghĩ triều Nguyễn là một triều đại không tốt. Sau này lớn lên có duyên làm du lịch, đi nhiều, đọc nhiều mới thấy các chúa Nguyễn và vua Nguyễn cũng thật anh hùng đảm lược. Riêng về Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, có thể nói Nguyễn Huệ đã dọn hết đường để Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Cứ tưởng tượng nếu Nguyễn Huệ không xuất hiện thì khi quân Thanh kéo sang với sự thối nát của triều Lê Trịnh ở miền bắc, gian thần hoành hành ở miền Trung, Nguyễn Ánh cũng đâu đã đủ khó khăn tôi luyện để chống lại. Vì thế dù 2 người này coi nhau như kẻ thù nhưng họ lại gắn liền với nhau trong sự nghiệp thống nhất nước ta thế kỷ 18.

    3
  • Gia Long (嘉隆) không phải là từ Gia Định đến Thăng Long đâu ạ. Vì chữ Long trong Thăng Long là Rồng bay lên, còn chữ Long trong Gia Long là trong từ “long trọng”. Đó là ý kiến của em.

  • chỉ một câu:
    “anh hùng trọng anh hùng”

  • Đọc bài viết của anh quá hay, mình là dân Bình Định, cũng rất thích lịch sử và nhất là về thời chiến loạn phân tranh Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, tất nhiên mình lại yêu thích nhà Ts hơn cả. Xin phép anh cho mình được lấy loạt bài về Thị Nại đăng trên blog của mình, trân trọng cảm ơn.

    2
  • Mình rất thích bài viết này của bạn, có một đoạn bạn thắc mắc về hình ảnh con dơi trên mộ, mình nghĩ có lẽ đây chỉ là một motif trang trí của nhà Nguyễn trong đó con dơi đọc theo âm Hán gần đồng âm với chữ Phúc, và hình ảnh con dơi cũng có nhiều điểm hay khi đưa vào trang trí như là nó đối xứng hoặc là treo ngược đầu(mang ý nghĩa là Phúc Đáo như người Trung Quốc hay dán chữ Phúc ngược trước cửa trong dịp Tết).
    Bởi vì mình chưa đến khu mộ ông bao giờ cho nên việc mình nói về hình tượng con dơi bạn có thể xem là một gợi ý nhỏ. Mong bạn có thêm nhiều bài viết hay.

    2
    • Cảm ơn bạn An Chi về thông tin này. Có dịp tìm hiểu được về chi tiết này sẽ chia sẻ lại với mọi người.

  • bài viết rất hay và giàu cảm xúc , cảm ơn a vì đã viết bài này!

  • Công nhận bạn Apo rành lịch sử và viết bài này công phu quá! Tâm phục khẩu phục đấy! Đúng là tuổi trẻ tài cao!

    1
  • Một loạt bài viết rất hay. Mình cũng đang tìm hiểu lịch sử giai đoạn này nhưng sử liệu của mình không phong phú bằng. Cám ơn vì đã chia sẽ nguồn tài liệu.

  • Chào anh! em xin phép nói thêm 1 ý này vì em vẫn còn thắc mắc lắm ạ 🙂 Em thấy còn thiếu sự kiện đau lòng và dã man mà vua nhà Nguyễn đã dùng chính con voi thân cận đã cùng chinh ra chiến giẫm chết tướng Bùi Thị Xuân, nhưng nó đã k giẫm vì nhận ra chủ tướng của nó. Vua Nguyễn đã phải dùng con voi khác và đem hành quyết con voi trung thành này.( giáo viên khoa sử đã kể lại cho lớp em nghe trong 1 lần thuyết giảng về ls nước nhà).Cám ơn anh đã đọc dòng comment này. Chúc thành công!

    • Chuyện về mấy bạn voi này thì cũng nhiều chuyện rất hay. Bùi Thị Xuân là nữ tướng chuyên huấn luyện tượng binh của nhà Tây Sơn. Theo anh được nghe kể thì con voi không chịu dẫm chết Bùi Thị Xuân không phải là con voi mà bà sử dụng trong chinh chiến, chỉ là một trong những con voi trong đội tượng binh của bà. Còn con voi do của bà thì đã đâm đầu vào núi khi bà chia tay nó để quay trở lại Phú Xuân và sau đó bị bắt.

      Cám ơn em đã comment 🙂

      3
    • Tran Wong

      oh cám ơn anh về chi tiết quý giá này 🙂

    • Nếu Nguyễn ánh rơi vào tay tây sơn liệu Trần quang diệu bùi thị xuân hay Nguyễn hụê có tha cho ánh và gia đình đc chết toàn thây?.
      Và ai là kẻ đã tàn sát hết gia tộc nguyễn phúc và dân hội an cù lao clonlớn mỹ tho

  • Em thì vẫn không thích Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh có tài dùng người, có chí lớn, bền gan, cũng có tài quân sự, nhưng đều kém vua Quang Trung. Dù ông ta có nhiều công lao, khó mà biện hộ được việc mời quân Thái Lan sang đánh Quang Trung để chúng tiện thể cướp phá dân lành, và khi nghe tin quân Thanh sang đánh Quang Trung thì mang gạo ra tiếp tế. Vì thế khi nhắc đến Nguyễn Ánh, em ít có sự kính trọng.
    Có lẽ Nguyễn Ánh và Gia Long là 2 con người khác nhau. Em thích Gia Long ở điểm truyền ngôi cho Minh Mạng chứ không cho hoàng tử Cảnh, và không cho Pháp làm quan.

    • Cảm ơn em đã tham gia thảo luận.

      Về tài năng quân sự có thể Nguyễn Ánh kém vua Quang Trung (đa số các trận vua Quang Trung cầm quân đều chiến thắng Nguyễn Ánh), nhưng về chính trị anh nghĩ là Nguyễn Ánh làm tốt hơn (bao gồm phát triển kinh tế, đối ngoại, đối nội… Vua Quang Trung lên ngôi được nhưng không ổn định được tình hình và đất nước có thời chia ra làm đôi, Quang Trung ở phía Bắc, vua Thái Đức ở Bình Định, chưa kể Đông Định Vương Nguyễn Lữ ở phía Nam).

      Còn về việc cầu viện binh của nước ngoài, cũng còn nhiều điều cần thảo luận. Phạm vi bài này nói về trận Thị Nại. Anh có viết một bài có đề cập đến việc này, em tham khảo rồi cùng thảo luận với mọi người cho vui 🙂

      1
  • EM CHUA GAP ANH, CHUA TIEP XUC NHUNG DUONG NHU TRONG HINH DUNG EM, ANH LA NGUOI BEN NGOAI HIEN DAI NHUNG BEN TRONG ANH GIONG Y HET NHU ANH TRAI EM, MOT NGUOI RAT SAU SAC TRONG KHI MOT NGUOI HIEN DAI RAT GHET VE LICH SU, LUON MUON TIM HIEU VE NHUNG CHUYEN THE GIOI HIEN DAI ANH LUON DUA BLOG VE NHUNG THIEN ANH HUNG CA VE LICH SU DAN TOC. HIHHI DAM THI NAI HOM NAY YEN BINH HIEN DAI. BINH MINH LEN ANH DUNG GIUA CAU NHIN BINH MINH THI KHONG GI DEP HON DAU NHAT LA MUA HE, BINH MINH VA HOANG HON DEU DEP TUYET, NHUNG MUA MUA BAO THI NO KHONG CON KIEU SA MA RAT KING KHUNG GIO CUC KI MANH

    • Cám ơn em. Anh có dịp chụp một số hình ảnh ở cầu Thị Nại tuy nhiên là vào buổi trưa mà đúng ra thì hoàng hôn và bình minh mới đẹp.

      PS: Lần sau comment em tắt phím capslock nhé 🙂

  • Ngồi xem mà lặng cả người, trong tâm dấy lên một một cảm xúc khó tả. Thật lòng cám ơn Apo rất nhiều vì bài viết.

    1
  • Một loạt bài thật ý nghĩa 🙂 cám ơn anh nhiều. Thật trùng hợp khi em đang nghiên cứu giai đoạn Trịnh – Nguyễn 😀

    • Trịnh – Nguyễn là những giai đoạn mà anh rất thích. Bên cạnh đó anh cũng rất thích giai đoạn thời Hậu Lê. Có dịp em tìm đọc thời này, cũng rất hay.

      Nói chung sử nước mình anh thấy nhiều cái đọc mê ly 😀

  • Một trận chiến oai hùng để mở ra một triều đại với nhiều biến cố. Dù chỉ là “một bài blog nằm trong góc kẹt” nhưng đã cho nhiều người có cái nhìn bao quát và sâu sắc về một giai đoạn lịch sử mà ít có tài liệu nào đề cập đến. Cảm ơn anh!

  • Pingback: Thủy chiến Thị Nại - P2: Diễn biến | Apo's Blog ()

  • Cám ơn anh đã có 3 bài viết rất hay 🙂

Bình luận của bạn:

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer