Chuyện thủ tướng nhà người ta

Vô tình đọc được bài này: David Cameron – Mọi người chưa quên người đàn ông chân đất này chứ?

Bạn nhà báo viết về cựu thủ tướng Anh giống kiểu cave hết thời bị cuộc đời đẩy đưa ra rìa xã hội, giọng văn hết sức thương cảm cho một cảnh đời hồng nhan bạc phận.

Biết rằng bạn phóng viên lá cải chủ yếu ngồi trong giếng viết bài câu khách, nhưng lời văn thống thiết của bạn cũng làm mình xúc động tức cảnh sinh tình muốn viết vài dòng.

___

Hệ thống chính trị ở Úc gần như y chang ở Anh (nhiều các nước Châu Âu khác cũng tương tự). Ở Úc có 2 vị trí lãnh đạo, toàn quyền (Governor) và thủ tướng (Prime Minister). Ở cấp tiểu bang thì có toàn quyền bang và thủ hiến (Premier).

Nói một cách ngắn gọn, thủ tướng/thủ hiến đơn giản là người được dân thuê để lãnh đạo đất nước. Họ đúng nghĩa là đầy tớ nhân dân, làm đúng thì không sao lỡ làm sai thì nó chửi như con sen con đòi trong nhà.

Mà làm thủ tướng là làm dâu trăm họ nên kiểu gì cũng bị chửi, đơn giản chỉ cần ghé qua Facebook của thủ tướng sẽ thấy status nào dù nhỏ lớn, giỡn chơi hay nghiêm túc kiểu gì cũng bị chửi. Mà không chỉ trên mạng xã hội, chửi trên báo hoặc làm cả TVC trên tivi để chửi công khai luôn, mà chửi nặng lắm à nghen.

Thậm chí không làm khỉ gió gì cũng bị nó chửi, như mới hôm rồi thủ tướng Úc trên đường đi làm ghé cho ăn xin 5 đồng, cũng bị chửi là keo kiệt (đăng báo luôn).

Khác với tổng thống Mỹ, cuộc sống các PM khá đơn giản. Chuyện thủ tướng Úc đứng đợi tram (và không ai đếm xỉa gì tới) hoặc thủ tướng Đức xếp hàng đi siêu thị là những chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, mấy cha nội toàn quyền mới là người được dân cưng.

Ví dụ đơn giản là cái nhà để ở, dinh toàn quyền Úc là toà nhà Admiralty House nằm ở vị trí đẹp nhất vịnh Sydney, còn dinh thủ tướng thì nằm một góc trong khu đó, nhỏ hơn gấp mấy lần, nhìn như cái nhà kho của dinh toàn quyền.

Toàn quyền là một vị trí mang tính biểu tượng (tương đương với vị trí nữ hoàng ở Anh). Hầu hết mọi công việc điều hành chính phủ đều do thủ tướng làm và sau đó báo cáo hoặc trình lên toàn quyền, ổng chỉ việc ký 🙂

Khúc này chắc sẽ có bạn hỏi, việc nhẹ lương cao bổng lộc nhiều như vậy, làm sao để apply? Hồi xưa thì toàn quyền do nữ hoàng chỉ định, ngày nay thì được chọn từ những người có cống hiến cả đời cho cộng đồng (cũng vì vậy mà họ được dân chúng rất tôn trọng).

À nhân tiện, đương kim toàn quyền bang South Australia là một người gốc Việt, niềm tự hào của người Việt ở Úc, có dịp mình sẽ viết thêm về chú ấy.

Tóm lại, toàn quyền thì có lộc, thủ tướng thì có quyền (chả lợi lộc gì ráo).

Ở Mỹ, do hồi xưa họ nổi dậy đá nữ hoàng và lập nên chế độ cộng hoà nên nôm na Tổng thống Mỹ = Toàn quyền + Thủ tướng gom vô một ghế. Chính vì vậy tổng thống Mỹ vừa có thực quyền mà lại vừa có tiền hô hậu ủng.

Bởi vậy thà như tổng thống Mỹ, làm cực nhưng còn được đối xử tử tế. Ở Anh, Úc và mấy nước Châu Âu thì cái job đó cho mình cũng không ham. Làm cực thấy bà nội mà suốt ngày bị chửi, đã vậy chế độ cũng chả ra gì.

Những người này với năng lực và khả năng của họ, họ dư sức đi làm cho các công ty, tập đoàn với mức thu nhập cao hơn nhiều so với lương thủ tướng (rất nhiều người sau nhiệm kỳ thủ tướng cũng đi tư vấn cho các công ty).

Ví dụ đương kim thủ tướng Úc là triệu phú, ổng từng là Managing Director của Goldman Sach. (bởi vậy mới có vụ lúc đắc cử thủ tướng ổng xin từ chối không nhận nhà ở Dinh thủ tướng vì dinh thủ tướng không ngon bằng nhà ổng đang ở).

Những người chọn đi theo con đường này là vì họ yêu thích công việc public service, họ muốn đóng góp xây dựng đất nước theo con đường mà họ tin là tốt nhất. Dân chọn họ cũng vì những cương lĩnh, những chiến lược mà họ đưa ra lúc tranh cử.

Một khi dân không còn tín nhiệm con đường của họ nữa (trường hợp thủ tướng Anh) thì họ bước xuống nhẹ nhàng. Cho nên đối với họ, không làm thủ tướng nữa không có nghĩa là cave hết thời như kiểu bài báo kia viết.

Họ không coi làm thủ tướng là làm ông nội thiên hạ nên khi hết nhiệm kỳ là họ trở về cuộc sống thường nhật, chuyện ngồi lề đường ăn Fish & Chip như trong bài báo kia, hoặc như cựu thủ tướng Úc đi mua tủ lạnh second hand về tặng vợ,… là chuyện bình thường.

7 comments On Chuyện thủ tướng nhà người ta

  • Cám ơn anh Hiếu vì góc nhìn đa chiều, giờ mới biết làm PM ở nước ngoài không có sướng.

  • Báo chí nước mình giờ giống y như trong mấy cái báo lá cải trong phim Đài Loan hồi xưa, viết toàn những chuyện nhảm nhí chỉ để câu view. Thậm chí trong bài báo còn có những lỗi đánh chữ chứng tỏ người viết đã không hề đọc lại bài viết của mình. Báo giấy thì không biết sao chứ báo mạng thì em đã không đọc nó từ trước tới giờ.

  • Trời! Gần 3 năm rồi không vào blog anh Hiếu, từ cái thời mà blog còn sử dụng cái theme đen thui. Ôi thời gian qua mau thật. Phát hiện ra mình đã già mất rồi. Dạo này anh chị vẫm khoẻ hả?

    1
  • Bài viết hay cảm ơn anh :).

  • Cảm ơn bài viết của Hiếu 🙂

  • Cám ơn vì bài viết của anh!

  • Cảm ơn anh Hiếu về bài viết, qua đó em hiểu thêm về cuộc sống các chính trị gia ở Úc. Thế mới thấy làm chính trị ở Việt Nam là sướng nhất rồi 🙂

Trả lời cho Ngọc Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer