Kể chuyện cái tên

Những ai đã từng đi nước ngoài chắc đã từng gặp vài bất tiện về cái tên. Điển hình cứ thử đi mua starbucks sẽ biết, 99% là cái tên chúng ta trên ly sẽ được ghi lại một cách… trớt quớt.

Hồi mới sang Úc mình gặp cũng lắm bi hài với chuyện này. Mỗi lần gặp khách khứa hay đối tác thì y như rằng mất hẳn 5 phút để tập cho họ phát âm cái tên của mình, đôi khi còn phải đánh vần từng chữ để họ hình dung ra được. Chưa kể trao đổi qua điện thoại thì còn mệt hơn, đến nỗi thậm chí còn phải dùng ký hiệu truyền tin của Nato để đánh vần: “Hotel India Echo Uniform November Golf Uniform Yankee Echo November”. Nghe y như chuẩn bị ra trận.

Mà đó chỉ mới là màn chào hỏi, trong công việc hàng ngày thì còn đủ thứ tình huống dở khóc dở cười khác.

Do vậy nên có vài người bạn gợi ý hay là chọn một cái tên ngoại quốc để thuận tiện hơn cho công việc. Lần lữa mãi cuối cùng mình cũng chọn một cái tên tiếng Anh.

Mà phải công nhận là từ ngày dùng nó tiện thiệt! Không chỉ trong công việc mà cả cuộc sống thường ngày. Cái tên mình chọn có tính “usability” rất cao, dễ đọc dễ nhớ, đọc lên là ai cũng biết nó viết ra sao, tiết kiệm được kha khá thời gian.

Nhưng cũng từ khi xài cái tên đó, suốt bao nhiêu năm trời mình chưa bao giờ thấy thoải mái. Luôn có cảm giác như mình là đứa mất gốc 😀

Còn nhớ ba mẹ kể lại rằng: “Ba mẹ đặt cho con tên Hiếu vì mong sau này lớn lên con sẽ hiếu thảo”. Cái tên mình được ba mẹ suy nghĩ để gởi gắm những ý tưởng hay như vậy, nay mình lại chọn dùng một cái tên khác.

Cũng vì vậy mà mình chỉ sử dụng cái tên đó duy nhất cho công việc với các bạn nước ngoài. Còn lại thì mình dấu tiệt, y như là “mèo dấu … ”

Thỉnh thoảng ngồi nói chuyện với bạn bè, mọi người cũng nói rằng “Thôi nghĩ nhiều làm chi, cứ coi nó như công cụ để giao tiếp. Miễn sao mình không vọng ngoại, không mất gốc là được”.

Ừ có lẽ mình hơi nghiêm trọng hoá vấn đề, nhưng dù sao cảm giác vẫn là cảm giác, làm sao kềm chế được, cho nên vẫn cứ thấy không thoải mái!

Cho đến gần đây, khi chuyển qua công ty mới thì mình quyết định bỏ hẳn cái tên tiếng Anh. Chuyển về dùng tên cúng cơm, mặc kệ bất tiện cỡ nào cũng được.

Và dĩ nhiên là những bất tiện ngày xưa vẫn quay trở lại. Thỉnh thoảng vẫn cứ phải “Hotel India Echo Uniform”. Nhưng cũng nhờ đó mình cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng, được tự hào rằng mình đang dùng cái tên mà cha mẹ đã trao cho.

Trong hình là tấm thiệp chào mừng trong ngày đầu tiên đi làm, trong đó tất cả mọi người đều gọi đúng cái tên cúng cơm của mình 🙂

thiep-chao-mung

PS: Bài viết không có ý đả kích những ai đang xài tên tiếng Anh. Ai đang xài mà cảm thấy thoải mái thì cứ tiếp tục xài, đừng lăn tăn chi. Chỉ là mình không thấy thoải mái nên không dùng nữa. Như đã nói, việc dùng tên nước ngoài không hẳn là mất gốc, suy nghĩ của chúng ta có còn gốc hay không mới quan trọng.

4 comments On Kể chuyện cái tên

  • Hiếu Đỗ

    Cảm ơn anh về những bài viết hay và thú vị. Em cũng tên Hiếu và cũng gặp đúng những khăn như anh đã gặp khi đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với các bạn ngoại quốc. Và rồi em cũng có tên tiếng Anh ,rồi sau 10 năm giờ lại chuyển về tên ba mẹ cho vì thấy nó mới đúng là mình.

    2
  • Đi một vòng lớn, cuối cùng cái tên ba mẹ đặt với nhiều gửi gắm vẫn luôn là điểm “bắt đầu” và sẽ là điểm “kết thúc” trong hành trình mỗi người. Em tin là anh sẽ luôn hạnh phúc khi có thật nhiều người sẽ gọi và nhớ tên của anh, dù có thể không dễ dàng. Nhưng miễn là người đó tôn trọng thì nhất định là họ sẽ muốn được biết cái tên mà anh luôn trân quý.
    Chào anh, em là Bảo Trân, rất vui được biết anh 🙂

  • Trai Quê Nghèo Nhưng Ham Học

    Anh ơi, em xin phép off-topic một chút. Em không chuyên về thiết kế website, nhưng do đang phải làm website cho start-up của bản thân nên hay để ý tới cách những người khác đang làm. Với site của anh, anh nghĩ nếu để màu nền 2 bên sậm hơn một chút thì sẽ tốt hơn không ạ? Vd như trong hình: http://imgur.com/F8883V1

    2
  • đi Hội An, em thích nhất là màn may quần áo siêu tốc ở đấy. Nhưng ghét nhất là ở các tiệm may lớn, các em nhân viên toàn giới thiệu tên tiếng Anh, kiểu như Helen, Zoe, Susan, Annie…, chắc bởi vì đối tượng phục vụ chính của các tiệm may này hầu hết là khoai Tây, đặt thế cho nó dễ nhớ, dễ gọi. Có điều nghe mấy cái tên tây trên những khuôn mặt da vàng mũi tẹt, thấy sao như ở một khu phố Hồng Kông hay đâu đó, xa lạ và lạc tông.

Trả lời cho Hiếu Đỗ Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer