Tôn trọng sự khác biệt

Một trong những điều mình học được những năm gần đây, không biết là do già hơn một chút hay là do môi trường sống xung quanh: đó là tôn trọng sự khác biệt.

Mình chia việc tôn trọng sự khác biệt ra 3 mức độ:

  1. Ai cũng phải suy nghĩ giống mình, đứa nào làm khác là đứa đó ngu.
  2. Đứa nào suy nghĩ khác mình thì… kệ mẹ nó.
  3. Đây là mức ở cảnh giới đặt được mình vào góc nhìn của người khác, vì sao họ lại làm như vậy, suy nghĩ như vậy → từ đó hiểu, thông cảm và xa hơn nữa là học hỏi được gì đó từ họ.

Mình nghĩ mình vẫn đang ở mức 2, chưa lên được mức 3 (đang ráng). Giờ đứa nào phản biện thì mình block chứ không cãi nhau và bắt nó phải suy nghĩ theo ý mình (thời còn ở mức 1).

Những ngày gần đây có câu chuyện về anh chàng người Anh bị tử nạn trên đỉnh Fansipan. Có một số người vô chửi bạn ngu, bạn thiếu kinh nghiệm đi rừng, bạn liều lĩnh, rằng đi rừng đi núi thì phải thế này thế kia, phải chuẩn bị đồ này đồ kia,…

Đó là chúng ta đang áp đặt suy nghĩ của mình, hiểu biết của mình, cách làm của mình lên cho người khác.

Môn này gọi là Free Solo. Trong công ty mình ngồi gần một bạn Product Owner, bạn cũng là một người chơi free solo. Qua những buổi nói chuyện mình hiểu được ở góc nhìn của những người này, chỉ có free solo mới thỏa mãn được đam mê leo núi của họ. Mọi động tác đều phải hoàn hảo, chỉ một sơ sẩy nhỏ là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của mình, và chỉ khi đẩy mình tới tận cùng thử thách như vậy họ mới thấy thỏa mãn. Môn chơi đó đòi hỏi người chơi phải có nhiều kinh nghiệm, hành trang phải gọn nhẹ (gần như không có gì ngoài túi bột). Lên nhanh và xuống nhanh.

Bạn nào rảnh coi clip này để biết môn mà bạn người Anh ấy đang chơi:

Ở góc nhìn của chúng ta thì làm như vậy dại dột, nhiều khi mạng sống của người leo núi chỉ hoàn toàn dựa vào vài đầu ngón tay bám ở một mỏm đá chơi vơi hàng trăm mét trên không. Nhưng đó là lăng kính của chúng ta.

Ở lăng kính của Aiden thì biết đâu đó là một bức tranh khác. Họ đam mê với điều họ làm, họ đã sống được hết mình với đam mê của mình, họ biết rủi ro của đam mê, cái giá phải trả và họ chấp nhận điều đó. Chúng ta không hiểu được họ thì cũng không nên chửi họ làm gì. Cái nào khen được thì chúng ta khen, cái nào không mở lòng ra khen được thì thôi, kệ người ta.

3 comments On Tôn trọng sự khác biệt

  • Tôn trọng sự khác biệt giúp giải quyết xung đột trong cuộc sống tốt hơn.
    GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT
    1. Nhẫn nhịn.
    2. Kềm chế cảm xúc.
    3. Làm chủ suy nghĩ – lời nói – hành vi.
    4. Tránh tranh cãi, không ẩu đã.
    BÌNH GIẢNG 1: Xung đột giữa người với người luôn xảy ra, cần nhẫn nhịn.
    Trong hoạt động xã hội giao tiếp giữa con người với con người xảy ra mỗi ngày, không thể tránh khỏi những mâu thuẫn. Bản chất của mâu thuẫn là sự khác biệt về lập trường quan điểm sống khi giải quyết sự việc. Mỗi người có môi trường sống khác khau hình thành hệ tư tưởng khác nhau, tiếp cận vụ việc ở các góc độ khác nhau thì cách nhìn nhận sự việc khác nhau. Không đánh giá quan điểm tư tưởng ai đúng, ai sai của mỗi người khi giải quyết sự việc. Khi điều kiện khách quan diễn biến của sự vật khác nhau mà mỗi người tiếp cận khác nhau thì cách suy nghĩ khác nhau về xử lý vụ việc, nên xảy ra bất đồng quan điểm sống giữa người với người.
    Tích truyện thầy mù sờ voi, nhắc nhở khi xem xét từng phần cụ thể rời rạc của sự vật của từng người tiếp cận thì ai cũng đúng, nhưng khi xem xét tổng thể sự vật thì ai cũng sai, do lấy mẫu thống kê nhỏ để quy kết ra bản chất của sự vật. Do đó, khi có người phản đối ý kiến của ta thì không nên chỉ trích phê phán họ có thái độ thù địch chống đối ta. Một quyết định giải quyết đưa ra cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện để lựa chọn phương án tối ưu thực hiện. Phản biện để xem xét tính tổng thể, toàn diện tiếp cận đúng bản chất sự vật. Không phản biện thì không thể tiếp cận được chân lý.
    Vậy khi bất đồng quan điểm giải quyết vụ việc giữa con người với con người xảy ra thì cần nhẫn nhịn: không buột người phải phục tùng theo ý mình, kềm chế cảm xúc, làm chủ suy nghĩ-lời nói-hành vi, tránh tranh cãi dẫn đến ẩu đã. Giải quyết bất đồng mục tiêu để đi đến thống nhất, tìm tiếng nói chung trong hợp tác và tin tưởng.
    Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, khuất phục tự nhận mình sai và người đúng, mà đơn giản chỉ là im lặng không tranh cãi tự xem xét lại quan điểm chính kiến của mình, không làm gia tăng mức độ căng thẳng khác biệt quan điểm nhìn nhận sự việc giữa ta và người, vì lợi ích chung toàn cuộc tránh chia rẽ nội bộ làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của tập thể, tạm chịu thiệt về mình nhường phần hơn cho người, không phân định ai đúng sai, không tranh thắng bại, xử lý dung hòa lợi ích cái tôi và cái ta, âm thầm rút lui, ngưng giao tiếp.
    BÌNH GIẢNG 2: Bất đồng quan điểm sống, phải kiềm chế cảm xúc.
    Khi xung đột con người xảy ra, cảm xúc được bộc phát qua lời nói và hành vi, thì mâu thuẫn càng phát triển và không giải quyết được, sự việc ngày càng tồi tệ hơn, vì vậy xung đột phát sinh, cảm xúc phải kềm chế, không bộc lộ tức giận buồn vui. Kiềm chế cảm xúc giúp tâm tĩnh lặng tránh sử dụng ngôn từ và hành vi gây tổn thương sâu nặng đến quan hệ tình cảm lâu dài, giảm thiểu áp lực căng thẳng tránh xử lý tình huống thiếu suy nghĩ gây hậu quả nghiêm trọng, không cứu vãn.
    Kiềm chế cảm xúc khi gặp người trái nghịch cùng xử lý vụ việc với ta, tâm bình thản thấy biến không loạn thần, thấy nguy không hãi, hít vào chậm rãi thở ra từ từ, tâm thân bất động, thả lỏng toàn thân, tâm vô tạp niệm, im lặng không nói, hành vi bất động. Cảm xúc phát sinh phải kiềm chế, nếu không triệt tiêu thì lâu ngày tích tụ trở thành mầm mống gây nguy hại lớn cho bản thân và xã hội nên cần được giải tỏa. Giải tỏa bức xúc qua: la hét, chạy nhảy, đấm đá, đập phá tùy thích vật dụng nơi vắng vẻ không người, viết nhật ký độc thoại với bản thân, tâm sự với người thật sự tin tưởng, tạm ngưng quan hệ với người liên quan sự việc và ngừng xử lý vụ việc, tạm thay đổi môi trường sống và công việc.
    BÌNH GIẢNG 3: Xử lý vụ việc, làm chủ suy nghĩ – lời nói – hành vi.
    Kiềm chế cảm xúc là làm chủ được suy nghĩ -lời nói- hành vi. Lời nói và hành vi bộp chộp, hấp tấp, vội vàng thiếu suy nghĩ đều gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng, không mang lại kết quả tốt và hối tiếc cả cuộc đời. Xử lý một vụ việc khó khăn cần có thời gian và kiên nhẫn tìm hiểu bản chất sự vật nên phải suy nghĩ thận trọng. Khi tính toán, thiết lập kế hoạch và chương trình trước cho hành động là thể hiện làm chủ suy nghĩ-lời nói- hành vi lúc xử lý vụ việc.
    Bản chất mọi xung đột là mâu thuẫn lợi ích cá nhân, gia đình và xã hội. Hành động không hấp tấp, phản ứng không vội vàng thiếu suy nghĩ, cẩn trọng trong ngôn từ và hành vi khi giải quyết vụ việc. Xử lý vụ việc trên quan điểm toàn diện, khách quan, xem xét nhiều thông tin đa chiều về sự việc, đặt quan hệ lợi ích cá nhân hài hòa với gia đình và xã hội, tránh giải pháp chiến tranh đổ máu.
    Xử lý vụ việc không ép buột người phải phục tùng làm theo ý muốn của ta, đừng cố thay đổi tư tưởng lời nói và hành vi của người mà cần thay đổi cách nghĩ và hành vi ứng xử của ta để thích nghi với quan hệ của người và mục tiêu của ta.
    BÌNH GIẢNG 4: Tránh tranh cãi, không ẩu đã.
    Bất đồng quan điểm trong giải quyết vụ việc nên tranh luận, tránh tranh cãi. Tranh luận là thực hiện phản biện với góc nhìn sự việc đa chiều, các tình huống có khả năng xảy ra để tìm kiếm lựa chọn phương án giải quyết tối ưu cho sự việc, tạo ra đồng thuận trong xử lý sự việc. Tranh cãi là áp đặt ý muốn cá nhân buột người khác phải thực hiện, dùng vũ lực để tranh đoạt phần thắng thuộc về mình, không quan tâm đến lý lẽ luật định của tự nhiên và xã hội. Do vậy, tranh cãi kết quả dẫn đến ẩu đã nhưng tranh luận dẫn đến đồng thuận.
    Khi xung đột gặp người có ngôn từ xấc láo, hành vi ngang ngược hãy im lặng âm thầm rời xa họ để tránh tranh cãi và nguy cơ bạo lực xảy ra. Nhường nhịn không phải là hành vi nhu nhược, hèn nhát không dám chống đối cường quyền áp bức, mà là hành vi tránh ẩu đả gây thương tích chết người xảy ra. Tùy vào mức độ bạo ngược sẽ áp dụng hình thức từ hạn chế giao tiếp đến tuyệt giao thì xung đột được giải quyết trong hòa bình, không tốn nhiều sức lực và thời gian.

    13
  • Nông dân khát vọng

    Đấy là cái thói vô cùng xấu của dân mình, luôn lấy mình ra làm chuẩn để rồi đi phán người khác.

    1
  • Em thì đang ở mức 2 trong thang đo 3 mức độ của anh nhưng vẫn hay rơi về mức 1, mức 3 thi thoảng cố gắng thì lên được rồi lại rơi xuống 😀

    Về chuyện của bạn người Anh tử nạn ở Phanxipang thì em áp dụng mức 2, cuộc sống của ai, người đó sống và tự chịu trách nhiệm.Em tôn trọng quyết định của cậu người Anh này, nhưng nếu ai đó hỏi em có nên sống hết mình, làm những việc liều lĩnh như chơi free solo giữa rừng thiêng nước độc của Việt Nam chỉ để thỏa mãn cái sung sướng tột cùng khi vượt qua bản thân, kích thích cơ thể tạo ra chất này chất kia để cảm thấy hưng phấn thì em sẽ khuyên họ là đừng, như thế quá nguy hiểm. Hãy sang Việt Nam và chơi trò bịt mắt sau đó đi bộ băng qua ngã tư, cảm giác vượt qua được cũng “phê” lắm mà nếu chẳng may bị đụng chắc cũng khó chết hơn, ít ra ở thành phố còn dễ được đưa đến bệnh viện hơn là từ rừng …

    Em cũng vừa đọc mấy bài trước của anh, 1 bài về tên và 1 bài về cha. Em còn trẻ và không có nhiều trải nghiệm về người thân mất đi, may mắn là em vẫn có thể ăn cơm ngày ba bữa với bố mẹ. Sống hết mình với bản thân và đôi khi là mạo hiểm chắc là điều mà nhiều người muốn và cả em cũng muốn sống như vậy, nhưng với em thì hết mình nhưng không được hết đời. Cơ thể này là của em và nó sẽ làm bất cứ điều gì mình muốn nhưng em nghĩ mình phải có trách nhiệm với cơ thể này, với những người tạo ra và nuôi nấng nó. Em không nghĩ mình là 1 người con tốt, chắc chắn là chưa đủ tốt, vì vậy em lại càng không thể cổ vũ cho cái suy nghĩ sống nguy hiểm như cậu bạn người Anh kia được.
    À còn 1 điều nữa, tên em là Trương Trọng Nghĩa, Trương thì là họ rồi, Trọng Nghĩa thì có nghĩa là nặng về tình nghĩa, ân nghĩa, hiểu đạo nghĩa , sự nghĩa hiệp, ý nghĩa của cuộc sống và sẽ ghi nhớ không quên, đại ý là vậy. Đấy là tên ông nội đặt cho em, em nghĩ để bạn bè gọi mình bằng tên thật cũng là 1 cách để họ hiểu hơn về mình, biết nhiều hơn về mình.

    Hôm nay là cuối tuần em hơi rảnh nên viết hơi dài so với 1 cái “reply” và có thể cũng hơi không liên quan. Em đọc blog của anh cũng lâu rồi và em nghĩ mình cũng không thể đọc “chùa” mãi được, nên chia sẻ lại mới phải đạo chứ :D. Chúc anh có 1 cuối tuần vui vẻ 🙂

    11

Trả lời cho Nghĩa Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer