Chuyện vách núi ở Blue Mountains

Abseiling là một môn thể thao tương tự leo núi, nhưng thay vì leo núi là leo lên thì abseiling lại “đu” xuống. Có một thời gian gần như tuần nào mình cũng đi với mấy đứa đồng nghiệp chơi cái này trên mấy vách núi ở Blue Mountains (một vùng núi rất hùng vĩ ở phía Tây Sydney).

Chơi trò này thú vị nhất là khi chơi lúc bình minh đón mặt trời lên hoặc là hoàng hôn khi mặt trời đang xuống. Cũng nhờ khoảng thời gian này mà mình và chúng bạn đã đến vô số những vách núi đẹp của vùng Blue Mountains, những điểm hoang sơ cùng cốc mà ngay cả dân địa phương cũng không mấy người biết.

Ở một trong những nơi như vậy có một vách núi khá đặc biệt. Những người chơi lâu năm nói rằng nhìn cách phản ứng của từng người khi đi xuống sẽ đoán được phần nào tính cách của họ.

Vách núi đó ở một vị trí rất cao nên gió thường khá mạnh, nhìn xuống thăm thẵm ai không quen rất dễ bị chóng mặt.


Vách núi có 2 phần, đoạn đầu đi xuống khá hiểm trở, cộng thêm gió thổi mạnh nên khá nguy hiểm. Và đoạn sau khi xuống giữa chừng thì vách núi sẽ từ từ lõm vào và đến một lúc ta không còn điểm tựa nào nữa (lơ lửng). Lúc này tuy nhìn rất ghê (gió tuy đã yếu hơn bên trên nhưng vẫn đủ để thổi người chơi quăng bên nọ quăng bên kia) tuy nhiên về cơ bản đoạn này lại rất dễ, ko phải làm gì cả, chỉ việc điều khiển buông dây ra và từ từ hạ xuống.

Người ta nói rằng sẽ có hai nhóm, một nhóm sẽ thấy không thoải mái (tạm gọi là sợ) ở đoạn đầu. Như mình tả bên trên, đoạn này khá hiểm trở và gió rất mạnh. Nhưng đến khi đến đoạn lơ lửng thì nhóm này lại thích, họ nói rằng lúc đó cảm giác tự do tự tại (đời đưa ta đi đâu thì ta đi đó). Người ta nói nhóm này là nhóm bay bổng, có xu hướng extrovert.

Ngược lại nhóm thứ hai lại thích đoạn đầu, và đến đoạn lơ lửng thì lại không thoải mái. Người ta lý giải những người trong nhóm này thuộc tuýp người “control freak” (là những người bị ám ảnh bởi sự chủ động), họ cần phải kiểm soát được tình hình trong mọi tình huống. Do đó dù đoạn đầu nguy hiểm hơn nhưng do họ vẫn chủ động được chỗ đặt chân, chủ động được từng hành động nên họ thoải mái hơn. Đến đoạn lơ lửng, tuy nhàn hơn nhưng họ không biết điều gì đang chờ mình ở phía trước, không được chủ động nữa nên họ lại cảm thấy không thoải mái. Nhóm này control freak, có xu hướng introvert.

Mình rất thích vì chỉ với một vách núi, khi đặt người ta vào trạng thái hơi bản năng một chút thì sẽ thấy được tính cách (và nó hoàn toàn đúng với trường hợp của mình).

1 comments On Chuyện vách núi ở Blue Mountains

  • Cám ơn anh, một câu chuyện rất thú vị cả về trải nghiệm với thiên nhiên và cách khám phá bản thân thông qua những trải nghiệm của mình.
    Đôi lúc (thật ra là hầu hết) những ý nghĩa cuộc sống luôn đến một cách tự nhiên nhất. Và may mắn là trong lúc chúng ta cần đến nhất. Vì bản thân mỗi người là một phần của tự nhiên 🙂

    8

Trả lời cho Pt Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer