Camravan 2009 – Ngày 1: Sài Gòn – Siem Reap

00

Về nhà cả tuần rồi nhưng đến hôm nay mới có thời gian viết lại về chuyến Caravan rất đáng nhớ hôm rồi. Đây là lần thứ hai đoàn Ôtô Sài Gòn (OS) quay trở lại Campuchia theo hành trình Caravan (từ đây gọi tắt là Camravan).

Caravan là một dạng du lịch nhưng tất cả các thành viên tham gia đều di chuyển bằng xe riêng và do mình tự mình điều khiển. Các cung đường được chọn sẽ là những cung đường mới và cả những cung đường rừng núi Offroad (như chuyến đi lần này). Đội hình di chuyển sẽ có các xe khóa đầu, khóa đuôi, xe hậu cần và một xe trung tâm. Tất cả các xe liên lạc với nhau qua bộ đàm, do bộ phát sóng đặt trên xe trung tâm nên xe trung tâm thường phải đi ở giữa đoàn để phủ sóng cho toàn bộ đoàn.

Thường là các hành trình này sẽ đi qua nhiều nước (chỉ trừ một số chuyến caravan ngắn đi trong nước, nhưng trường hợp này không nhiều). Các xe di chuyển qua các cung đường mới lạ, trải nghiệm lái xe trên các cung đường mới lạ. Trải nghiệm Caravan thường rất khác và ấn tượng hơn rất nhiều so với đi du lịch thông thường.

Từ trước đến nay OS đã tổ chức được khá nhiều chuyến Caravan thành công cho thành viên, năm 2006 là đầu tiên có 1 đoàn nhỏ gồm 4 xe đi từ Việt Nam, sang Campuchia rồi Thái Lan. Năm 2007 OS bắt đầu bằng chuyến Caravan sang Lào và Miến Điện. Và cùng năm 2007 là chuyến đi quy mô đầu tiên của OS sang Campuchia với lượng gần 40 xe – chuyến này đi do sự phối hợp tổ chức với VYC. Sau đó năm 2008 là chuyến Caravan dài nhất với hành trình từ Việt Nam – Campuchia – Thái Lan – Malaysia và trở về. Năm 2008 này do điều kiện thời gian không nhiều nên OS quyết định chọn đất nước chùa tháp một lần nữa, nhưng lần này đi theo một lộ trình khác, cảm giác hơn.

Năm nay mình không mang xe riêng theo mà đi cùng xe với anh hội trưởng (Grandis 2.4) và một xe Escape 2.3 do hãng Ford tài trợ, một MPV và một SUV – cả 2 xe đều còn rất mới, xe Grandis đi chưa đến 2000km, còn xe Escape thì chỉ vừa mới lấy bảng số vài ngày. Trong chuyến này mình được dịp thử hết những giới hạn của cả 2 dòng xe này trên những cung đường khác nhau, sẽ cảm nhận chi tiết ở những bài sau.

_____________

Ngày 1: Sài Gòn – Siem Reap

Nếu như hành trình năm 2007 là đi từ  Sài Gòn qua Phnompenh rồi dừng lại ở Phnompenh tham quan, mua sắm và đánh bài rồi ngày hôm sau mới di chuyển lên Siem Reap. Thì năm nay BTC quyết định chỉ tập trung khám phá khu vực Siem Reap, do đó hành trình ngày đầu tiên là đi thẳng từ Sài Gòn qua Siem Reap. Tổng chiều dài của hành trình này khoảng ~550km.

4h30 sáng đoàn tập trung tại bãi xe Maximark Cộng Hòa, sau khi điểm danh và phát thức ăn sáng – do lần này sau khi bàn tính thì BTC quyết định cho tất cả các thành viên dùng ăn sáng trên xe với các thức ăn nhanh để dành thời gian đi đến Siem Reap sớm. Đúng 5h30 đoàn khởi hành về hướng cửa khẩu Mộc Bài, bầu trời vẫn âm u và bắt đầu đổ mưa lất phất – nhưng cũng nhờ vậy mà đường trống, đoàn không bị kẹt xe. Các xe tăng tốc dần đi trong màn mưa. Đoạn này thường có bắn tốc độ nên đoàn cũng không dám đi nhanh.

Khoảng 7h30 thì đoàn đến cửa khẩu. Các thủ tục tạm nhập tái xuất được tiến hành khá nhanh chóng do BTC đã liên hệ với phía GTVT và Hải Quan nước bạn để thông báo về số lượng xe từ trước. Chỉ mất khoảng 15 phút sau đoàn đã tiến qua cửa khẩu, tất cả người và hành lý đều được giữ nguyên trên xe, nếu không chuẩn bị từ trước và đi theo kiểu bình thường thì tất cả mọi người phải xuống mang hành lý qua máy soi để qua cửa khẩu, rất mất thời gian.

01
Làm thủ tục tại cửa khẩu Mộc Bài

Đoàn xe tiến qua cửa khẩu Mộc Bài và chuẩn bị vào cửa khẩu nước bạn – Bavet. Thật bất ngờ là nước bạn có cả công an ra đón đoàn và tất nhiên là đoàn đi qua rất nhanh chóng không phải qua thủ tục nhập cảnh. Và sau đó trên suốt hành trình gần 500km Siem Reap, nước bạn đều bố trí công an chốt chặn tất cả những ngã tư, chợ búa, điểm đông người để đoàn được di chuyển an toàn và thông suốt. Một ấn tượng tốt mỗi lần đoàn Caravan OS đi sang Campuchia.

09
Cảnh sát nước bạn dọn đường cho đoàn xe

Vừa qua cửa khẩu Bavet, đoàn tấp vào ven lề để điểm danh và sắp lại thứ tự các xe.

02
Dừng lại điểm danh và sắp xếp đội hình

Sau đó các xe lên đường, trời lúc này đã hửng nắng, mặt đường tốt nên các xe di chuyển tốc độ khá cao và ổn định.

Đường xá ở đất nước Campuchia cũng tương tự như Việt Nam, tuy nhiên luật lệ còn khá lỏng lẻo, các xe chở quá tải và chuyện các xe khách có nhiều hành khách ngồi trên mui là bình thường, một số xe không có cả bảng số và thậm chí có cả xe tay lái nghịch cùng đi. Đa số xe con 4 chỗ ở Campuchia là dòng xe Toyota, chủ yếu là dòng Camry và Corolla đời 92 đến 2001. Do giá thành cực rẻ so với Việt Nam, một chiếc Camry ngon lành chỉ khoảng 8 đến 10 ngàn đô, do đó số lượng các xe này rất nhiều.

03
Phương tiện giao thông ở Campuchia

Tuy luật lệ rất lỏng lẻo nhưng điều ấn tượng với mình lại chính là ý thức chấp hành và lưu thông trên đường của người dân Campuchia rất tốt, có thể nói là hơn hẳn người Việt chúng ta. Suốt thời gian chạy xe trên đường ở Campuchia, hầu như rất ít khi mình phải dùng còi, đa số các xe thấy đoàn đều tấp vào sát lề nhường đường, thậm chí có một số lần mình tách đoàn đi, nghĩa là không có xe dẫn đường, xe mình cũng như một xe bình thường, thế mà khi thấy mình tiến gần đến, xe trước liền nhường đường, thỉnh thoảng mình mới phải đá đèn để xin vượt và chuyện dùng còi là điều rất hạn hữu.

Chuyện ý thức tốt không chỉ với xe hơi mà cả với xe máy, chạy xe ở Campuchia mình hoàn toàn yên tâm không có chuyện xe máy đang chạy bỗng nhiên cúp đầu xe hơi, nếu như đang đi từ trong đường làng ra, người dân thường quan sát kỹ và từ từ đi ra, và cũng đi rất sát lề, hoàn toàn không thấy trường hợp nào trong đường làng bang thẳng ra quốc lộ chạy nghênh ngang như ở Việt Nam ta. Chợt nghĩ trong lòng, đất nước bạn tuy luật lệ còn lỏng lẻo chưa có nhiều thế mà người dân lại chấp hành rất nghiêm chỉnh, vì sao ở Việt Nam luật lệ búa xua nhưng ý thức đi đường của người dân còn kém quá? Cá nhân tôi lái xe ở Việt Nam – dẫu biết rằng dùng còi là vô văn hóa – nhưng vẫn phải bóp còi, vì không thì không biết khi nào bạn xe máy trước mặt bất thần dừng lại hoặc rẽ ngang.

Do người dân đi xe ý thức tốt, nên việc cần lưu ý lớn nhất khi di chuyển trên những cung đường của Campuchia là bò, chó và gà. Tuy đã rất cẩn thận nhưng đoàn lần này cũng đã phải tiễn 2 bạn chó và 1 bạn gà lên đường do không cách nào tránh được khi các bạn gia cầm này lao thẳng vào đầu xe – và kinh nghiệm cũng không nên tránh trong các trường hợp này, nếu không muốn mình đi thay bạn. Mong các bạn này sớm được hóa kiếp sang thành loài khác. May mắn đoàn không dây dưa gì với loài bò. Dù có chứng kiến cảnh 1 xe khách 12 chỗ vs. một bạn bò.

04

Trở lại hành trình, đoàn di chuyển dọc theo quốc lộ 1, đây không phải là sự trùng hợp với quốc lộ 1 của Việt Nam mà chính xác là 2 quốc lộ này có bà con với nhau. Ngày xưa người Pháp xây dựng tuyến quốc lộ này với dự định nối liền 3 nước thuộc địa ở Đông Dương để dễ bề xây dựng, khai thác và cai trị. Sau này khi giành được độc lập, Việt Nam và Campuchia vẫn giữ nguyên tên gọi là quốc lộ 1. Tuyến quốc lộ 1 này dẫn ta đi từ cửa khẩu Ba Vet đến bến phà Neak Loeung.

Nếu qua phà Neak Loeung tiếp tục hành trình khoảng 100km thì đoàn sẽ đến Phnompenh, tuy nhiên BTC năm nay chọn hướng đi khác ngang qua tỉnh Kampong Cham nên trước khi đến phà Neak Loeung đoàn rẽ phải sang hướng quốc lộ 6.

Quốc lộ 6 là đoạn quốc lộ chạy dọc theo sông Mekong, đi dọc theo quốc lộ, nhìn về hướng sông có thể thấy các thuyền buôn thương lái của người Việt sang mua lúa gạo – số lượng gạo xuất khẩu ở Campuchia hiện nay chủ yếu là sang Việt Nam.

Đi dọc theo quốc lộ này một lúc, nếu để ý ta sẽ thấy bên đường không còn những cột điện nữa. Do đất nước bạn hiện nay vẫn chưa có thủy điện (chính xác là trước năm 1975 ở Campuchia có một số thủy điện, tuy nhiên dưới thời Kh’me Đỏ, những thủy điện này đã bị hư hỏng và ngưng hoạt đọng cho đến nay, hiện nay chính phủ Việt Nam cùng một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc đang có một số dự án tài trợ cho bạn xây thủy điện), trong khi chờ đến lúc đó thì hiện nay Campuchia vẫn phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, những tỉnh nào gần Thái thì mua điện của Thái, những tỉnh nào gần Lào thì mua điện của Lào và tỉnh nào gần Việt Nam thì mua điện của Việt Nam. Và ta bán cho bạn cũng với giá rất hữu nghị, chỉ 400đ/kW, tuy nhiên khi điện đến tay người dân thì khoảng 4000đ, có lẽ là do công bảo trì, và tiền đầu tư các thiết bị điện…

06

Đến khoảng trưa thì đoàn đến Kampong Cham, tại đây đoàn ghé lại một quán cơm khá lớn để dùng cơm trưa, quán cơm này của một người Việt sang đây lập nghiệp và khá thành công, gần như tất cả xe nào đi ngang đây đề ghé lại dùng cơm ở tại quán này. Tranh thủ lúc ăn trưa, một số xe được xếp vào hàng uống xăng như uống bia tranh thủ đi đổ xăng. Do chủ quan nên xe mình không đổ tiếp xăng, chính điều này làm cho buổi chiều phải trả giá.

Đoàn tiếp tục lên đường, lúc này anh Hải cầm lái, mình tranh thủ chợp mắt một tí. Đang thiu thiu ngủ thì nghe trong bộ đàm là xe số 4 bị trục trặc, thế là cả đoàn phải dừng lại để xuống kiểm tra. Sau khi kiểm tra thì xe 4 được chuẩn đoán là hư dynamo phát điện nên không sạc vào bình được, xe 04 được một xe hậu cần đưa ngược về Kampong Cham để sửa chữa, còn lại đoàn tiếp tục lên đường. Đoạn đường này cảnh vật hai bên rất đẹp. Ở Campuchia theo chế độ chính trị đa đảng nên người dân được quyền tự do chọn đảng theo ý mình, do đó nếu để ý ta sẽ thấy ở trước nhà dân ở Campuchia thường có treo cờ của các đảng mà nhà đó hoặc xóm đó theo. Đảng Nhân Dân Campuchia hiện nay lớn nhất và là đảng đang cầm quyền, kế đó là đảng Funcipec ngoài ra có còn đảng Ranarik của hoàng thân Ranakid và khoảng 30 đảng phái khác.

Do hành trình này chỉ có một đường thẳng nên xe trung tâm cho phép các xe chạy tự do, nên bắt đầu xuất hiện sự tách toán, toán đầu gồm khoảng 10 xe và toán sau do có một số phụ nữ và trẻ em nên các bác tài không thể chạy nhanh. Xe mình thuộc nhóm đầu, đi được một lúc thì xe mình dừng lại đổi tài để anh Hải qua ngủ, mình lái. Đi được một đoạn thì trời đổ mưa, và đoạn này mình vô tình mình thử hệ thống ABS của Grandis, do dừng lại đổi tài nên xe mình không còn đi đầu nữa mà rớt lại cuối của tốp đầu.

05
Trời bắt đầu đổ mưa

Đang chạy bon bon thì bổng dưng thấy đoàn phía trước thắng loạn xạ, đến gần thì mới phát hiện ra là đường phía trước rất xấu, hai bên là một hố khá sâu, mà gần xe Grandis rơi xuống đó là… thôi xong. Tuy đã có kinh nghiệm giữ khoảng cách khi đi đoàn, nhưng do xe trước thắng quá đột ngột, lại thắng đứng hẳn xe lại chứ không phải rà thắng, nên mình cũng buộc phải đạp thắng gấp, trời mưa nên đường trơn nên xe lết đi một đoạn, ABS active 😀 ABS hoạt động rất tốt nên xe vẫn kiểm soát tốt và dừng lại đúng điểm mong muốn.

Ngoài vụ test ABS thì đoạn này chẳng có gì đặc biệt. Khi cách Siem Reap khoảng 30km thì đèn báo xăng trên xe chớp lần đầu, mình và anh Hải ngó nhau an ủi: “Không sao, Grandis báo hết thì còn đi được vài chục cây nữa lận”. Gần đến Siem Reap thì giọng anh Hùng trưởng đoàn thông báo trong bộ đàm: “Do phải tranh thủ vô làm thủ tục mua vé Angkor ngày mai (vé tham quan Angkor hiện nay phải chụp hình) nên phải vào tranh thủ làm thủ tục trước 5h30 để kịp giờ”. Nhìn đồng hồ thì lúc đó đã 5h15, thế là xe vẫn phải đi tiếp trong tâm trạng lo lắng của hai anh em. Đến mức vừa đến nơi là phải tắt máy ngay, không dám mở máy lạnh ngồi trên xe như mọi lần.

07
Làm thủ tục tham quan Angkor

Vào làm thủ tục chụp hình xong, lúc này vẫn phải chạy thêm tầm 5km nữa để trở ra khách sạn Prince D’Angkor, hai anh em thở phào khi tấp vô được một cây xăng. Tính ra bình xăng của Grandis từ khi đổ đầy ở Mộc Bài đến Siem Reap là vừa hết trọn một bình.

10

Đoàn vào khách sạn làm thủ tục check in, đây là một khách sạn khá lớn ở Siem Reap, và hình như là khách sạn có hồ bơi nước mặn lớn nhất ở Campuchia. Sau khi ổn định phòng ốc, đoàn hẹn nhau ở sảnh để đi ăn tối. Nhà hàng ăn tối cũng chính là nhà hàng mình đã ăn một lần trong chuyến Caravan 2 năm trước, thức ăn rất ngon và nấu hợp khẩu vị người Việt Nam. Ăn tối xong thì mọi người về phòng nghỉ ngơi.

08

Riêng mình do đi một mình độc thân nên tiếp tục xách xe lang thang cùng một số anh em độc thân khác, đi ăn phở, uống bia, chơi bời đến mãi gần 2h sáng mới về phòng. Kết thúc ngày đầu tiên trên đất bạn.

12 comments On Camravan 2009 – Ngày 1: Sài Gòn – Siem Reap

  • Du lịch Caravan qua bài viết cũng rất thú vị! ^.^
    Giống như đang được trải nghiệm cùng đoàn du lịch…
    Cám ơn anh Apo đã chia sẽ!

  • Hohoho bác Hiếu nhà mình ăn chơi cũng khiếp thật, hôm Caranvan 2010 hôm lễ hội nước ra đi 345 chú! bác có đi không nhỉ, hôm đó thấy 1 đoàn Caravan Việt và gặp ông anh làm đại lý bên dầu nhớt Castrol trong Nagaworld.

  • hey, lần sau đi rủ tớ đi với nhé. tớ rất muốn lái cơ, ngồi ghế phụ mãi cũng chán 🙂
    nhớ nha 🙂

    1
  • Dear Apo,
    Tui thấy bác đi nhiều chuyến offroad vậy, mong muốn được hội kiến và mong được bác chia sẽ cho chuyến đi Đà lạt – tuyền lâm- đưng kno.
    Vì bọn em định đi chuyến đó đây.
    Điện thoại của tui. 0918050482.
    Bác vui lòng cho biết email liên lạc nhé.
    pxtanh@yahoo.com

  • Tuyệt đấy! Mình đã từng đọc báo và mạng viết về các chuyến đi này. Xem ra, loại hình du lịch này mới du nhập vào VN thời gian gần đây nhưng rất phát triển ở Thái, Cam. Sẽ tìm cách đi một chuyến cho biết. Không có việc gì khó, chỉ sợ…hổng muốn làm!

  • Apo ơi, đón đọc ngày 2, 3 và 4 mà vẫn chưa thấy he…he 😉

  • lần sau có đi rủ chị voi…chị ngồi ghế phụ lái cho hehehe

  • @Dung ù: đây là một dạng đi du lịch khám phá dành cho những ai mê lái xe thôi, còn cảm nhận xe chỉ là của cá nhân mình.

  • ủa, kiểu caravan này là tour du lịch hay là dạng tổ chức để quảng cáo sức bền cho xe hơi vậy ta?
    Ngưỡng mộ Apo, bác nên làm phóng viên thì tốt hơn nhểy 😛

  • canavan great!!một số cty du lịch nội địa cũng đang hình thành các tour dạng này !!.
    hấp dẫn hấp dẫn !! mong chờ phần 2

  • Vẫn có phụ nữ đi mà Dương, nhưng đa số chỉ ngồi ghế phụ. Hội OS chỗ Apo thường tổ chức những hoạt động này lắm, khi nào về nước Dương thử tham gia xem, chắc là sẽ thích đó 😀

  • Đọc xong entry này lại mơ ước được một lần đi khám phá kiểu này (mà đi như này chắc trong đoàn toàn nam giới hả Apo?) , đoán chắc còn rất nhiều điều thú vị trong hành trình này 😛 Hơi ngạc nhiên về chuyện công an của nước bạn ra đón đoàn của Apo he…he. Đợi đọc tiếp phần sau :))

Trả lời cho iMS Vietnam Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer