Câu hò, điệu lý quê hương

Năm 1982 cha mẹ tôi có việc phải về Bạc Liêu, khi đó mẹ đang có thai tôi và nhờ cơ duyên đó nên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tôi là Bạc Liêu. Thật trùng hợp là nhà thương nơi tôi sinh ra cũng là nơi bà nội tôi mất mấy năm trước đó, tôi chưa từng được gặp nội, nội trong tôi chỉ qua những lời kể.

Khi tôi vẫn chưa nhận thức được thì cha mẹ tôi quay trở lại Sài Gòn, hình như năm đó tôi chỉ mới hai ba tuổi. Nghe kể lại rằng hồi đó nhà tôi nghèo lắm, ba phải làm đủ nghề để nuôi mẹ con tôi, tôi không thấy được những cảnh đó nhưng tôi luôn tưởng tượng ra những cảnh gian khó mà ba mẹ đã trải qua để nuôi anh em tôi lớn từng ngày. Lúc đó nhà tôi sống ở Thủ Thiêm, chỉ cách có một con sông Sài Gòn thôi mà cho tới bây giờ Thủ Thiêm vẫn còn chênh lệch nhiều lắm với Quận Nhứt (Q1) bên kia sông, còn thời gia đình tôi sống bên đó thì Thủ Thiêm nghèo lắm.

Rồi năm tôi 5 tuổi, nhà bắt đầu bớt khó khăn hơn, ba mẹ mua được một căn nhà bên Nhà Bè (là Quận 7 bây giờ). Trí nhớ trong tôi về Thủ Thiêm không nhiều, tôi chỉ nhớ được hình ảnh mơ hồ về một cánh đồng lớn đã gặt xong, những buổi chiều ba hoặc mẹ ẵm tôi ra đồng. Và lời ru của mẹ, của ba. Đó có lẽ là những nhận thức đầu tiên của tôi về cuộc đời.

Rồi nhà tôi sang Nhà Bè, đó chính là nơi toàn bộ tuổi thơ của tôi đã trải qua. Nhà Bè hồi xưa là một huyện nghèo của Sài Gòn – chắc cũng giống huyện Cần Giờ bây giờ – và nhờ vậy nên dù lớn lên ở Sài Gòn nhưng tôi vẫn được trải nghiệm đầy đủ một tuổi thơ đẹp nhất của những cậu bé vùng quê, có cánh diều, có con sông, có mò tôm bắt cá, có đủ các trò chơi tuổi thơ mà giờ mỗi khi có dịp ai đó nhắc lại, tôi đều tự hào mình đã trải qua hết.

Tôi luôn cám ơn cuộc đời đã cho tôi được sinh ra nơi miệt đất phương Nam này, được lớn lên với câu hát ru của mẹ, được sống trọn những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ bên cánh diều, con sông quê.

Rồi ai cũng phải lớn, cũng phải chia tay cái tuổi thơ đẹp đó. Nhưng có lẽ bạn cũng như tôi, thỉnh thoảng trong cuộc sống tấp nập lại bất chợt nghe đâu đó một câu hò, một điệu lý.

Tôi đã được sinh ra và lớn lên nơi miệt đất phương Nam này, trong vô vàn những ký ức đẹp về tuổi thơ, luôn có một chỗ sâu trong tim dành cho những làn điệu quê hương. Mỗi lúc như vậy có cảm giác như lòng mình chùng lại, nhắm mắt lại là hiện ra ngay trước mắt những buổi trưa hè bên con sông và cánh đồng trước mặt.

Giờ đã xa quê hương, những điều bất chợt đó gần như không còn xảy ra nữa. Tôi chợt nghĩ ra một ý tưởng sưu tầm lại những bài hát, những điệu lý quê hương, đăng lên trước là cho mình, sau là cho bạn bè gần xa, vì biết đâu bạn cũng như tôi, cũng có những lúc bất chợt thèm nhớ lại một bầu trời tuổi thơ. Mà âm nhạc có lẽ là thứ nhanh nhất đưa ta về với những ký ức đó.

Sydney, 10/8/2014

4 comments On Câu hò, điệu lý quê hương

  • Đọc bài này làm em nhớ ngoại. Nhà ngoại sát mé sông, bên hông nhà cũng là một con mương và có một cây gừa già (là cây si mà ko biết sao hồi đó ai cũng kêu là cây gừa). Mùa hè em đc mẹ cho về quê chơi, đó là quãng thời gian háo hức nhất vì được chơi với mấy đứa em họ. Sáng thì đi đào trùng câu cá, đi vô ruộng bứt đòng đòng ăn, rồi hái trộm trái cây bị chó rượt. Buổi chiều cả đám rủ nhau tắm sông, đu rể cây gừa từ bên này mương sang bên kia mương xong nhảy đùng đùng xuống nước, mương cạn nước đục ngầu mà đứa nào cũng hớn hở.

    Nhà ngoại em có 1 khu rẫy phải đi ghe lên đó. Mỗi khi được lên là ôi thôi đủ thứ trò nào là lội sông bẻ dừa nước về chặt ăn. Đi bẻ mía (nhà ngoại em trồng mía), bẻ ổi bẻ dừa.

    Hay mấy bữa trưa oi ả bắt võng giữa 2 gốc dừa nghe bà ngoại kể chuyện và ngủ trong tiếng ru của ngoại. Lâu lâu mấy con heo trong chuồng kêu ổn ẻng.

    Nhớ hồi em bị dời leo, ngoại chữa theo cách dân gian là dắt đi mấy ông thầy niệm thần chú lên bùa xong đốt bắt uống. Một bà một cháu trên chiếc xe đạp lọc cọc trên mấy con đường băng ruộng bé xíu gập ghề. Đi hết ông này tới ông kia mà vẫn ko hết. Cho tới hôm có ng chỉ bôi cứt bồ câu lên sẽ hết, ngoại cũng làm, em cũng nằm ngủ phải gác tay lên ghế để cứt ko dính lên người. Vậy mà vài lần thì hết. Ko biết nhờ cứt bồ câu hay do tới ngày thì nó tự khỏi. Giờ nghĩ lại thì thấy mê tín hay ko khoa học, nhưng lúc đó biết gì, viết những dòng này thấy nhớ ngoại quá!

    5
  • Hình ảnh và những lời tự sự của anh thật sự đã vẽ nên một bức tranh tuổi thơ thật đẹp. Dù không có bất kì âm thanh nào để gợi nhớ trong bài này, nhưng tiếng cười trẻ thơ vẫn vang vọng nơi đây.

    Em có một suy nghĩ “kì lạ” là người ta có thể chọn “không cần lớn”. Khi muốn thả diều thì làm diều rồi thả, khi thích chơi ô quan thì nhặt nhạnh sỏi để chơi, khi muốn bay lên cao để chạm tới bầu trời, thì tìm một chiếc xích đu nhỏ… Thay cho sự nhớ, vẫn luôn có thể tiếp tục những sở thích tuổi thơ. Chỉ cần điều đó khiến mình vui cười. 🙂

    1
  • Gây mê dạo

    Cũng giống như anh Apo, nhà tôi cũng nghèo, tôi cũng sống trong cảnh nghèo vật chất nhưng tinh thần thì luôn sung túc. Không phải xa quê xa thật là xa như anh nên nằm nhớ lại, một năm cũng về thăm vài ba lần hoặc khi nào nhớ quá cũng gom đồ dzọt về được…Chỉ xót xa cho con, không biết được những buổi sáng đi học mờ sương đọng đầy trên áo len, trên mi mắt. Không chạy trên đường đất bụi mù với hàng Dã Quỳ vàng rực hai bên đường cong cong. Hay mùi khói từ củi nấu bánh tét ngày Tết…Khi nào có con anh sẽ thấy!
    Qua blog này biết thêm được nhiều điều từ thế giới bên ngoài XHCN. Chúc vợ chồng anh nhiều sức khỏe, thành công trong công việc!
    Rãnh rỗi nhớ viết bài về du lịch ( kèm hình nha) cuộc sống – con người nơi đất khách. Tuy không làm trong lĩnh vực của anh nhưng tôi rất thích những bài viết về việc anh đang làm.
    Cảm ơn Ngoc Hiếu nhé!

    1
  • Em cũng may mắn là tuổi thơ dữ dội như anh. Bắt cá, ô ăn quan, súng cọng chuối, đánh chuyền, búng thun…Đọc những dòng hồi ức của anh, em nghĩ lại cũng thấy vui lây theo anh.

    0

Bình luận của bạn:

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer