PLB (Personal Locator Beacon)

Bữa giờ mình post một số hình đi kayak camping, có một số bạn hỏi rằng đi một mình như vậy vô rừng có nguy hiểm không?

Câu trả lời là đi vô những chỗ rừng thiêng nước độc bao giờ cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, đặc biệt là khi đi một mình. Do đó điều kiện tiên quyết là phải tự trang bị cho mình những kỹ năng sinh tồn và phải có sự chuẩn bị càng kỹ càng tốt.

Trong hình là một thiết bị gọi là PLB (Personal Locator Beacon). Trong tất cả các thiết bị an toàn mà mình mang theo, thì đây có lẽ là thiết bị quan trọng nhất.

Cách sử dụng nó rất đơn giản, khi lâm vào tình huống nguy kịch, chúng ta kéo chốt an toàn xuống và mở antenna ra để kích hoạt thiết bị. Nó được thiết kế để chịu được va đập, chống nước ở mức cao nhất, có thể kích hoạt chỉ với vài ngón tay còn cử động được,…

Và nó chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: đó là kết nối lên vệ tinh để gửi tọa độ chính xác của chúng ta về cho trung tâm cứu hộ, để họ đến lượm chúng ta về. Nhưng nó làm nhiệm vụ đơn giản đó một cách vô cùng… phức tạp. Lý do là nó sẽ kết nối với rất nhiều hệ thống khác nhau, nhằm mục đích backup cho nhau.

Tổng cộng nó sẽ kết nối với 3 nhóm vệ tinh khác nhau, các vệ tinh này hoạt động hoàn toàn độc lập để đảm bảo rằng nếu có một hệ thống không hoạt động chính xác thì còn hệ thống khác.

1 – GPS

Đầu tiên là nó sẽ lấy tọa độ từ vệ tinh GPS. Sau khi lấy được tọa độ GPS của chúng ta, nó sẽ chuyển dữ liệu tọa độ này lên 2 mạng lưới vệ tinh cứu hộ khác nhau (một lần nữa, để backup cho nhau): LEOSAR và GEOSAR

2 – LEOSAR & Doppler Shift

Nhóm thứ nhất là nhóm vệ tinh cứu hộ quỹ đạo thấp, gọi là LEOSAR. Nhóm vệ tinh LEOSAR này scan toàn bộ bề mặt trái đất mỗi 90 phút. Khi bắt được tín hiệu của chúng ta, dựa trên tốc độ chuyển động của LEOSAR so với bề mặt trái đất, vệ tinh sẽ dùng một kỹ thuật gọi là Doppler Shift để tái xác nhận vị trí của chúng ta một lần nữa. Nghĩa là lúc này vị trí của chúng ta đã được xác định bởi 2 nguồn độc lập: GPS và Doppler Shift.

3 – GEOSAR

Nhóm vệ tinh thứ hai mà nó sẽ kết nối gọi là GEOSAR, đây là nhóm vệ tinh địa tĩnh, cách trái đất khoảng 35,000 km và nó phủ sóng cố định toàn bộ bề mặt trái đất liên tục 24/24. Do đó khi được kích hoạt, beacon của chúng ta sẽ kết nối được gần như ngay lập tức vào hệ thống này mà không bị delay.

Toàn bộ các kết nối này được truyền qua tần số 406 Mhz, công suất 5W – nhằm đảm bảo đủ mạnh để truyền xuyên qua các tán rừng già hay các thung lũng sâu bên dưới.

Khi mua và đăng ký thiết bị, toàn bộ dữ liệu của chúng ta sẽ được lưu lại trong hệ thống của chính phủ (địa chỉ, số điện thoại liên lạc của người thân, nhóm máu,…).

Khi được kích hoạt, toàn bộ thông tin của chúng ta bao gồm: ai là người đang mắc nạn, nhóm máu gì, thông tin liên lạc của người thân, vị trí chính xác đang mắc nạn ở đâu,… sẽ được 2 nhóm vệ tinh trên truyền độc lập về cho trung tâm cứu hộ ở từng tiểu bang. Và từ đó họ sẽ tiến hành chiến dịch cứu hộ, thông báo cho những người thân có liên quan và cử trực thăng đến lượm chúng ta về.

Ngoài ra, khi trực thăng đến gần khu vực bị nạn, thiết bị này sẽ tiếp tục phát ra một loại tín hiệu ở tần số khác (gọi là Homing Signal) trực tiếp đến máy dò của trực thăng, việc này nhằm đảo bảo 100% là trực thăng sẽ xác định được vị trí của chúng ta.

Điều đặc biệt là toàn bộ các hoạt động này ở Úc đều là miễn phí, người dân chỉ tốn tiền mua thiết bị và cập nhật thiết bị mỗi 2 năm (miễn phí). Kể cả chi phí cứu hộ cũng miễn phí.

Ban đầu mình có thắc mắc vì sao chi phí cứu hộ lớn như vậy mà chính phủ lại miễn phí, rủi gặp đứa cùi bắp nó đi mệt quá không muốn đi bộ trở lại rồi kêu trực thăng đến chở về thì sao?

Sau khi tìm hiểu thì mới biết lý do là chính phủ không muốn người dân khi rơi vào tình huống ngặt nghèo nhưng vì tiếc tiền mà ngần ngại kích hoạt thiết bị dẫn đến những hậu quả xấu hơn. Nên họ chấp nhận dựa vào ý thức tự giác của người dân (rằng họ chỉ kích hoạt thiết bị trong những trường hợp thật sự nguy kịch). Và họ quyết định toàn bộ các dịch vụ này là miễn phí.

Đó là lý do mình không bao giờ quên mang theo cái beacon này mỗi khi bước chân vô rừng. Nó giống như là tấm “thẻ bài miễn tử”, là lá chắn cuối cùng của mình nếu chẳng may rơi vào tình huống nguy hiểm.

Lúc nào có thời gian rảnh mình sẽ viết thêm về một số kỹ năng khác.

Mình chưa từng có dịp sử dụng nó (và cũng không mong sẽ có lúc sử dụng nó). Nhưng bạn mình thì đã từng, đây là 2 hình thực tế mà bạn mình chia sẻ:

Khi bạn mình kích hoạt thiết bị


Khi trực thăng đến

3 comments On PLB (Personal Locator Beacon)

  • Hay quá, lâu rồi mới thấy một bài Tạp bút của anh. Lần nào đọc cũng thấy giọng văn dễ chịu ^^

    2
  • Thật hay quá ạ. Nếu ngư dân của mình trang bị được những thiết bị như vầy thì tình trạng mất tín hiệu, trôi dạt trên biển sẽ ít lại. Cảm ơn chia sẻ của anh.

  • Võ Nhất Duy

    Cảm ơn anh đã chia sẻ

Trả lời cho Võ Nhất Duy Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer