Nước Úc đổi quốc ca

Hôm nay là ngày nước Úc chính thức đổi lời quốc ca. Chính xác hơn là đổi một chữ trong lời bài quốc ca. Hai câu đầu của quốc ca Úc được bắt đầu như sau:

Australians all let us rejoice.
For we are young and free.

(Hỡi những công dân Úc, hãy cùng vui.
Bởi chúng ta trẻ và tự do)

Trong lời quốc ca mới, chữ “young” được đổi thành chữ “one“:

Australians all let us rejoice.
For we are one and free.

(Hỡi những công dân Úc, hãy cùng vui.
Bởi chúng ta là một và chúng ta tự do)

Sở dĩ có chữ young (trẻ) vì bài hát này được viết bởi những người Úc có gốc Châu Âu, viết về một nước Úc hiện đại, nước Úc được thành lập sau khi người Châu Âu đến cách đây 300 năm.

Tuy nhiên, nếu gọi nước Úc là “young” thì cũng coi như đã gạt lịch sử của những người thổ dân Úc sang một bên. Đó là lý do mà nước Úc quyết định đổi chữ young thành chữ one.

Bởi vì lịch sử tồn tại của người thổ dân Úc (Aboriginal) là một trong những lịch sử lâu đời nhất trên thế giới: khoảng 65,000 năm (có tài liệu nói là 75,000 thậm chí là 100,000 năm). Nghĩa là dài hơn rất nhiều so với các nền văn minh khác trên thế giới.

Khi người châu Âu đặt chân đến lục địa Úc cách đây 300 năm, lúc đó họ đã phát minh ra được súng đạn, đã chế tạo được các chiến hạm vượt đại dương, đã xây dựng được các lâu đài thành quách hoành tráng, về kinh tế họ đã có các mô hình kinh tế hiện đại, thậm chí ở Hà Lan đã có thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, những người thổ dân Úc – những người đã có xuất phát điểm trước khá xa – về cơ bản vẫn đang còn ăn lông ở lỗ, thậm chí khó mà có thể gọi họ là một nền văn minh.

Ban đầu khi bắt đầu đọc về lịch sử Úc, đây là điều làm mình rất thắc mắc. Tại sao với lịch sử lâu hơn nhiều như vậy, người Aboriginal lại không bỏ xa những nền văn minh khác? Chỉ cần họ phát triển với tốc độ tương đương với các nền văn minh khác thì có khi bây giờ họ dọn lên Sao Hỏa sống hết rồi, hoặc ít nhất thì cũng là một trong những nền văn minh hiện đại nhất trên thế giới.

Sau đó mình tìm ra được câu trả lời, và nó vô cùng thú vị. Tất cả sự khác biệt khủng khiếp đó xuất phát từ một hành động vô cùng đơn giản: dừng lại.

Người Aboriginal đã không dừng lại.

Tại sao dừng lại lại quan trọng đến như vậy?

Vì nếu họ dừng lại → Họ sẽ bắt đầu định cư một chỗ → Từ đó sẽ chuyển dần từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt → Qua thời gian họ sẽ thuần thục các kỹ năng trồng trọt và bắt đầu tích lũy → Dần dà những gì tích trữ sẽ vượt quá nhu cầu tiêu thụ → Dẫn đến nhu cầu trao đổi → Và dẫn đến các hình thức mua bán → Dẫn đến giao thương → Dẫn đến sự phát triển của kinh tế → Dẫn đến tranh chấp → Và dẫn đến chiến tranh.

Và chiến tranh là một trong những động lực nhanh nhất để phát triển. Sở dĩ người Châu Âu phát triển nhanh vì trong mấy ngàn năm, quanh năm suốt tháng họ chỉ ăn rồi đi đánh nhau.

Người Aboriginal đã không dừng lại, và cứ vậy họ lang thang suốt mấy chục ngàn năm trên lục địa Úc.

Khi tìm ra điều này mình đã vô cùng bất ngờ. Thật thú vị khi chỉ một hành động tưởng chừng quá nhỏ, lại dẫn đến một kết quả vô cùng khác biệt.

5 comments On Nước Úc đổi quốc ca

  • "Người Aboriginal không dừng lại và lang thang suốt mấy chục ngàn năm trên lục địa Úc". Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ khỏe mạnh hơn, và có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống hơn chúng ta.
    Nhiều khi đó là sự lựa chọn không ngoan.

    7
  • Cảm ơn anh. Qua bài này e nghĩ Việt Nam cũng nên thay đổi lời hoặc chọn bài quốc ca khác. Vì độc lập cũng đã hơn 40 năm rồi, mà vẫn “chung lòng cứu quốc”. Nếu sau này phát triển hơn thì “cờ in máu”, “đường vinh quang xây xác quân thù” nghe không văn minh cho lắm.

    11
  • Trước tiên cảm ơn Chú vì tấm lòng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm sống của mình qua những Podcast và Blog thú vị như trên. Khi đọc xong bài này thì cháu thấy nhận định trên khá thuyết phục, xong cùng với đó nếu suy rộng ra câu hỏi thì có thể đưa ra nhận định về sự khác nhau giữa 2 nền văn minh phương Tây và văn minh Phương Đông được không Chú. Vấn đề cả 2 nền văn minh đã cùng dừng lại xong sự phát triển của phương tây có thể nói là nhỉnh hơn, có phải do vấn đề Tôn giáo hay văn hóa Phương Đông đã kìm hãm sự phát triển của các nước Phương Đông không ạ. Mong Chú góp ý cho câu hỏi ?

    13
    • Tân Lê

      Mình thấy câu trả lời bạn có thể tìm được thông qua nhiều quyển sách phân tích so sánh phương Đông và Phương Tây, có tiếng Việt. Mình đề xuất bộ sách của 1 tác giả Việt là Nguyễn Duy Cần.

      4
  • Hải Đăng

    Cám ơn anh Hiếu rất nhiều về những chia sẻ cho cộng đồng. Em thì lại nghĩ đến việc đúng là đôi khi, trong cuộc sống, có những việc biết dừng lại lại là lựa chọn khôn ngoan.

    8

Trả lời cho kanbui Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer