Cần lắm nguồn nhân lực công nghệ!

Đêm khuya 2 giờ sáng ngồi viết bài này “than thở” 😀

Hôm qua đọc được tin này: http://www.bbc.co.uk/news/business-18119526, tự nhiên thấy đồng cảm với một câu hỏi trong bài nên tôi đăng lên Facebook status như sau:

“With nearly 100,000 IT postgraduates, questions arise over how computer companies in Vietnam can still be short of staff ← tình hình thực tế của mình trước giờ là tuyển developer có chất lượng luôn trần ai khoai củ nhất.

Câu hỏi của mình: vậy trong trường dạy cái gì cho 100,000 em sinh viên này?”

Sau đó có khá nhiều những comment chia sẻ từ rất nhiều những bạn bè đang làm doanh nghiệp công nghệ và cả đang làm trong ngành giáo dục đào tạo. Ai cũng cùng chung một suy nghĩ là hệ thống giáo dục của chúng ta đang có vấn đề.

Thật ra chúng tôi không đủ tư cách và cũng không dám phê phán cả một nền giáo dục, nhưng từ tình hình từ chính thực tế khi tuyển dụng, những người quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như ở công ty tôi, trong tất cả hơn chục mảng công việc đang tuyển dụng như: Sales, Content, Marketing, Online Marketing, Design, Product Management, Developer… Có một bất ngờ là một trong những vị trí khó tìm nhất lại là Developer, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng lập trình là công việc rất cụ thể (so với những mảng mới như Online Marketing, Product Management, UX…) và có nhiều cơ sở, trường đại học đào tạo bài bản như hiện nay thì đây hẳn phải là một vị trí có nhiều ứng viên ứng tuyển nhất. Tuy nhiên thực tế thì đây lại là một trong những vị trí khó tìm nhất.

Kể ra thì số lượng CV nộp về khá nhiều, tuy nhiên để tìm được một người đủ chất lượng thì thật sự gian nan. Hầu hết các CV đều liệt kê một loạt những danh sách dài dằng dặc những kỹ thuật mà mình biết – đa số những trường hợp này khi phỏng vấn đều là theo dạng “kênh nào cũng bắt, nhưng không có kênh nào nét”. Trong khi bản thân chúng tôi lại chỉ cần tuyển những người chuyên sâu một mảng, nhưng phải làm thật tốt, thật chuyên.

Trong những bàn luận trên FB ấy thì có một bạn tự nhận mình là một trong số 100.000 sinh viên đó. Cụ thể bạn này comment như sau (copy nguyên văn):

Trong 100,000 đó có em nên em xin có ý kiến thế này. Nếu yêu cầu 1 Developer ra trường thông thạo mọi thứ để nhập cuộc = đãi vàng tron cát. Công nghệ thay đổi theo năm, giá án khoa thay đổi theo thập kỷ chắc là khó đuổi kịp. Cái tụi em có là kiến thức nền tảng và khả năng research để đụng đâu Gồ đó.

Em không biết anh Hiếu tuyển dụng nhân lực thế nào nhưng chắc sẽ khó mà cạnh tranh với các cty out source. Bọn họ đến tận trường, thậm chí lập cả trung tâm tại trường và luôn có hệ thống đào tạo để gieo hạt và gặt quả. Chứ không há miệng chờ sầu riêng ạ.”

Đọc comment trên tôi thật sự mong rằng đây chỉ là trường hợp đặc biệt, không đại diện cho hình ảnh của 100.000 sinh viên kỹ thuật trên. Vì nếu là như vậy thì quả rất đáng lo, lo cho những người đang làm doanh nghiệp công nghệ. Lo cho một thế hệ sinh viên – nguồn nhân lực chủ chốt mà chúng tôi đang tìm kiếm lại quá thụ động. Dựa hoàn toàn vào sự đào tạo của nhà trường, hoặc nếu không thì là các doanh nghiệp sẽ đến và đào tạo – trong khi trách nhiệm đầu tiên là các bạn phải chủ động tự trau dồi học hỏi. Lo cho một thế hệ sinh viên với suy nghĩ mình đã có kiến thức nền rồi, thì khi gặp chuyện gì chỉ cần đi google, đây là một kiểu làm việc chắp vá mà tôi đã gặp quá nhiều kinh nghiệm đau thương khi làm việc với những người như thế này (chưa kể đa số những trường hợp này thì kể cả kiến thức nền cũng không tốt).

Bản thân chúng tôi, những công ty công nghệ, đều không dám đòi hỏi nhà trường phải cho ra đời những lớp sinh viên thật tốt có khả năng bắt tay vào việc ngay (dù đây là đòi hỏi rất chính đáng). Chúng tôi chỉ mong rằng những năm trên giảng đường, nhà trường khơi gợi được niềm đam mê lập trình, đam mê công nghệ và đào tạo thật tốt khả năng tự học cho các sinh viên. Ngành công nghệ luôn là một ngành phát triển nhanh, đúng ra thì nhà trường phải luôn cập nhật những kiến thức mới cho sinh viên – nhưng nếu điều đó chưa thực hiện được thì nhà trường chỉ cần tập trung vào hai điều trên có lẽ cũng tạm gọi là đủ.

Phần còn lại là ở chính các bạn sinh viên, đã theo ngành thì phải đi đến tận cùng của sự đam mê, đã đam mê thì phải luôn chủ động tự tìm tòi, học hỏi trau dồi bản thân mình mà không cần phải đợi bất kỳ một ai dạy mình, tạo điều kiện cho mình.

Giám đốc Kỹ thuật hiện tại của tôi – một người tôi luôn luôn an tâm giao trọn mảng kỹ thuật – là một người chưa tốt nghiệp đại học. Nhưng  bạn đã sớm biết mình đam mê điều gì và đi hết mình với đam mê đó, bên cạnh đó là một tinh thần luôn chủ động tự trau dồi, cầu tiến.

Và tôi thật sự mong những người như vậy sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn, thay cho lớp sinh viên thụ động ngồi trông chờ vào sự truyền đạt của người khác. Và làm mọi việc với một tinh thần: làm cho xong!

Cần lắm một nguồn nhân lực chất lượng hơn với đúng ý nghĩa của từ này. Đầu bài nói vui là “than thở” chứ thật ra bài này không phải là một lời than thở, vì doanh nghiệp nếu chỉ ngồi than thở thì có mà chết. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang luôn chủ động tìm cách tự xoay sở để đảm bảo nguồn nhân lực cho chính mình, vẫn phải đi đãi cát tìm vàng, vẫn phải đến các trường đại học lập các trung tâm đào tạo – mà nói đơn giản hơn là đang làm thay công việc đào tạo của nhà trường, hoặc như nhiều trường hợp khác: chọn những người có tố chất, nhận vào công ty rồi đào tạo lại.

Vì sao Silicon Valley là miền đất hứa cho các công ty công nghệ? Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đầu tiên, đó chính là nguồn nhân lực. Một nguồn nhân lực chất lượng cao luôn dồi dào, tôi có một vài người bạn đang làm việc tại đây và chúng tôi thường nói vui với nhau rằng ở đó chỉ cần nhặt cục đá, chọi đại cũng có thể… trúng một chuyên gia lập trình.

Đợi chờ một ngày mà các công ty công nghệ có thể tập trung toàn lực vào việc tạo ra công việc, tạo ra dự án, tạo ra môi trường làm việc tốt nhất. Không phải chật vật đi xoay sở để làm thay công việc nằm trong tay của người khác.

Xin phép được lưu ý:

Các bạn nào có tham gia trao đổi, mong rằng hãy dựa trên tinh thần CHIA SẺ góc nhìn của mình và dùng lời lẽ nhẹ nhàng, TÔN TRỌNG lẫn nhau.

Mỗi sự việc đều có nhiều góc nhìn và không hẳn góc nhìn của theo hướng này đúng thì chắc chắn góc nhìn theo hướng khác phải sai. Thêm nữa ở đây chúng ta cũng không tranh luận xem ai đúng ai sai. Chúng ta đều đã lớn, tôi thích tạo ra một nhóm nói chuyện chia sẻ vui vẻ và không muốn tạo ra một nhóm chửi nhau ỏm tỏi như các em nhỏ.

Và cuối cùng, đây là một bài viết dựa trên góc nhìn cá nhân, đăng trên một blog cá nhân và facebook cá nhân. Tôi rất tôn trọng và thích trao đổi với nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phải dựa trên tinh thần tôn trọng và trao đổi nhẹ nhàng.

Trong những comment, tôi rất thích một comment của một bạn bên blog tên là Phu, một suy nghĩ khác nhưng dựa trên tinh thần xây dựng. Và comment của bạn Phu đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ.

34 comments On Cần lắm nguồn nhân lực công nghệ!

  • Tìm được một người chuyên về một mảng nào đó thật khó khăn. Mặc dù hồ sơ nộp về rất nhiều nhưng lại không tìm được người phù hợp.

  • Bài viết hay và có ý nghĩa lắm, cảm ơn anh hiếu nhiều

    1
  • Bài viết thật hay và có ý nghĩa, cảm ơn a nhé

  • Thật ra để làm lập trình viên ở VN đâu cần “người tài”, người bình thường cũng làm được, vấn đề là dùng người thế nào, tổ chức công việc thế nào thui. Mỗi người đều ẩn một “tài năng” chỉ cần khơi dậy tạo điều kiện để nó phát triển thì sẽ đến lúc hái quả thôi.

    0
  • postgraduate: sau đại học (chứ không phải sinh viên tốt nghiệp đại học).

    Sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học có thể dùng từ “graduate” (danh từ).

    1
  • Chủ blog có vẻ đứng nhìn trên một phía, theo quan điểm cá nhân hơi nhiều, dù trong những lời đó có đúng có sai, em nghĩ nếu thực sự tìm muốn tìm 1 LTV tốt ở VN là hoàn toàn có thể 🙂

  • Ngọc Chinh

    Vài ý kiến của mình thế này. Chung quy cũng là do yếu tố con người mà ra cả. Ở đây:
    + Có thể là do yếu tố thời cuộc để lại, nên môi trường đại học hiện nay tại Việt Nam đã lỗi thời so với các nước bạn. Từ bản thân các trường không tạo ra một môi trường để sinh viên dám nghĩ dám làm. Mình có cảm giác rằng các sinh viên chúng ta tôn sùng “thầy nói cái gì đều cho là đúng” mà thật ra không dám phản biện. Các sinh viên chúng ta thụ động từ ghế nhà trường, chỉ biết nói sao làm vậy. Không có khả năng sáng tạo, vậy thì học đại học chẳng khác gì môi trường cấp 2,3?
    + Nói ra có phần tôi chủ quan. Nhưng các giảng viên tại các trường đại học chúng ta nghiệp vụ sư phạm yếu. Cái mình nói ở đây là nghiệp vụ sư phạm! Các giảng viên giảng bài nhưng không mang một tí nhiệt huyết vào trong từng lời nói thì hỏi sao đám sinh viên có đủ tự tin, có đủ dũng cảm để phản biện.
    + Học đại học để làm gì? Kiến thức đại học chẳng để làm cái gì cả so với trường đời này. Nhưng có một thứ mà một người học đại học sẽ tốt hơn so với người phổ thông. Đó chính là suy nghĩ, tư duy theo “phương pháp đại học”. Học đại học sẽ cho ta 1 câu hỏi “Tại sao nó như vậy mà không như thế kia”. Thoạt nghe câu hỏi đó thằng học sinh cấp 3 cũng nói được. Nhưng nếu chúng ta kết hợp với kiến thức được học tại giảng đường + câu hỏi đó thì đó mới gõi là tư duy theo phương pháp đại học. Tiếc thay các bạn sinh viên thường đà phần cứ nghe giảng viên nói sao thì nghe vậy chẳng bao giờ đặt câu hỏi 1 cách hiểu rõ nguồn gốc vấn đề đối với giảng viên…Và đó cũng là một phần làm cho sinh viên chúng ta cái gì cũng có biết đấy nhưng bản chất để hiểu rõ tường tận thì mù tịt và đó cũng là cái thua sút đối với sinh viên nước ngoài.
    + Tôi từng nghe 1 ông thầy nói rằng “Có google là đủ”. Nhưng mấy ai trong sinh viên chúng ta sử dụng google một cách có ích nhất? Tại công ty tôi đang làm. Hễ cái gì cũng bảo tôi chỉ cách thế này, thế nọ nhưng trong khi lại có thể tìm trên google? Đủ để thấy tính ì ạch của sinh viên khi ra trường là như thế nào?
    + Sinh viên chúng ta luôn thụ động. nên mỗi khi cấp trên cứ bảo sao thì làm vậy mà không bao giờ tự đặt câu hỏi rằng “Tại sao nó không giống trong sách vở ở trường đại học”. Đó là 1 cách làm việc thụ động, chỉ có ở các nước phong kiến còn tồn đọng nhiều… Kiến thức trên giảng đường là nền tảng là cái móng để chúng ta bơi ra đời sau này…Tiếc thay sinh viên chúng ta cứ nghĩ rằng biết như vậy là đủ…Haizzz
    Vài dòng lung tung nên mong các bạn bỏ qua.

    3
  • – Tôi giải thích tóm tắt thế này: Muốn biết chất lượng đào tạo thì phải xem xét ba góc dộ:
    (1)– Nội dung học là học thế nào
    (2)– Tham gia các Dự án làm những gì; và
    (3)– Kết quả tạo ra có tác dụng gì? Chất lượng báo cáo viết thế nào?

    Một trường Engineering Information Technology và Computer vào loại tốt nhất Việt Nam là Bách Khoa Hà Nội mà dạy 5 năm 70 môn học thì nói lên điều gì? Nói lên rằng, 90% sinh viên của chúng ta đã phải quá lãng phí năng lượng, thời gian, công sức và tiền bạc cho những thứ sử dụng chả được bao nhiêu là lý do thứ nhất.

    Lý do thứ 2 là – Trình độ tiếng Anh – thứ cần thiết nhất để cập nhật và nắm bắt kiến thức, công nghệ, kỹ năng và quy trình – thì không hề được học tử tế một tí gì trong trường mà hầu hết là phải học thêm ngoài, tự học, tự nghiên cứu. Bởi vậy, mà chất lượng sinh viên lúc ra trường cực kỳ kém cỏi và yếu.

    Do vậy, cách tốt nhất là hãy nhanh chóng học hỏi kiến thức của các nước Anh, Mỹ, Úc. Sau đó phát triển thành các hệ thống thông tin kiến thức để phổ biến và chuyên nghiệp hóa.

    Tôi cho rằng giải pháp nên có phần làm như thế.

    JOHN TRAN

  • Bài viết của anh Hiếu rất hay. Em đồng ý với hầu hết các quan điểm của anh. Nhưng cũng có 1 số ý kiến cá nhân của mình:
    1. Câu hỏi trường ĐH đào tạo cho sinh viên cái gì trong 5 năm trên giảng đường?
    – Bản thân em là sinh viên sắp ra trường (còn 3 tuần nữa là bảo vệ ĐATN), nhìn lại quãng thời gian 5 năm đã qua, em thấy trường học dạy được nhiều thứ lắm: Tư duy độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng nghiên cứu, cách tiếp cận với công nghệ……
    2. Câu hỏi thứ 2: Rất nhiều sinh viên khi đi làm sớm đều có quan điểm “Trường ĐH không dạy cái gì có ích, để ta có thể đi làm được”.
    – Quan điểm của em thì khác. Nếu ai đã từng học – thật sự là học thì những môn dạy trong trường ĐH vô cùng quan trọng : Giải thuật, cấu trúc dữ liệu, mạng máy tính , phân tích thiết kế hệ thống thông tin ….. Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản của những môn ấy thôi, thì bạn đã có nền tảng vững chắc để tiếp nhận công nghệ mới, và giải quyết các vấn đề trong công việc đặt ra.

    Vấn đề không thể đổ lỗi hoàn toàn về phía trường ĐH được. Những chương trình giảng dạy trong trường ĐH không với mục đích “ra trường làm được việc ngay”, mà nhằm cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cơ bản để có thể tự mình khám phá những chân trời xa hơn, rộng hơn.
    Còn thực trạng sinh viên yếu kém hiện nay, 1 phần do cách giảng dạy của các thầy cô chưa hấp dẫn – không khơi gợi được sự đam mê của sinh viên (Cũng một phần là do các thầy cô yêu cầu sinh viên chủ động tiếp cận vấn đề, chủ động học), và phần trách nhiệm quan trọng là ở bản thân sinh viên: Bị quá nhiều thứ chi phối, không định hướng được con đường của mình, …. hay có 1 từ nói lên tất cả : Thụ động.
    Em rất mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp và các trường ĐH có thể bắt tay, ngồi nói chuyện với nhau nhiều hơn, để có thể xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp hơn. Và điều quan trọng là: Các bạn sinh viên hãy năng động lên, hãy làm chủ cuộc sống của mình, hãy tự mình viết lên trang sách của đời mình…!
    Cảm ơn Blog anh Hiếu, rất nhiều bài hay.

    3
    • Mình cũng có quan điểm giống bạn….

      Đa số thường nói trơờng dạy dỡ nhưng đa phần là không chịu tìm tòi nghiên cứu thôi.

  • Nhật Đông

    Em cũng là một sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường, tình cờ thấy được lời chia sẻ đúng ngay vào chỗ ngứa của sinh viên. Theo ý kiến cá nhân của em, ĐH là nơi dạy nền tảng theo nhiều hướng, nghiên cứu và phát triển nhân tài. Ở đây là phát triển nhân tài chứ không phải là tìm kiếm nhân tài, công việc tìm kiếm nhân tài là của bên doanh nghiệp. ĐH cung cấp cho sinh viên rất nhiều hướng đi khác nhau một cách chung chung, không thuần hướng nào, còn chuyện muốn đi hướng nào thì đó là chuyện của sinh viên, khi sinh viên có được nhận thức, đam mê, một chút tầm nhìn về CNTT. Dạo gần đây, ở một số trường ĐH có mở ra các CLB, mỗi CLB sẽ phát triển thế mạnh về một hướng chuyên môn nào đó của CNTT, trong CLB đó sẽ có những bạn cựu sinh viên có nhiều kinh nghiệm, những tài năng về một lĩnh vực nào đó của CNTT, người dẫn dắt có nhiều nhận thức và tầm nhìn về CNTT, thậm chí họ còn có một bộ phận trong CLB có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động, training công nghệ, sự kiện, hội thảo, cập nhật thông tin từ các cuộc thi CNTT, tổ chức một kênh trao đổi của các thành viên CLB, tìm kiếm các mối quan hệ từ các doanh nghiệp…Em nghe nói có một số doanh nghiệp nhìn nhận được thực trạng bất lợi hiện nay mà mạnh dạn đầu tư mở các trung tâm đào tạo nhằm huấn luyện nguồn nhân lực để tuyển vào công ty của họ. Theo em biết, điển hình là công ty TMA mở một trung tâm đào tạo huấn luyện riêng ở quận Phú Nhuận, thu hút kha khá các bạn sinh viên từ các trường ĐH, ĐH KHTN cũng có tới 2 trung tâm đào tạo với thành phần giảng viên đến từ các doanh nghiệp, như thế mới thỏa mãn được nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp là muốn người mới vào làm có khả năng bắt tay vào công việc ngay. Về vấn đề của anh Hiếu, cũng không nên đổ lỗi cho các trường ĐH, họ bất lực trong chuyện cung cấp nguồn nhân lực CNTT và mong muốn được giải quyết, mà muốn giải quyết được chuyện đó, quyền chủ động phụ thuộc rất nhiều (nếu không muốn nói đến Hoàn Toàn) vào sinh viên CNTT, là thế hệ định đoạt cả nền CNTT, giảng viên chỉ là người góp ý hướng đi thôi…

  • Triệu Hưng

    Xin chia sẻ cảm nghĩ này với anh. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam trong thập kỷ tới quá yếu và quá thiếu. Yếu vì không chịu tự học hỏi, rèn luyện và cái thiếu nhất chính là thiếu đam mê.

    Tôi cũng đã từng phỏng vấn một nhóm sinh viên muốn qua thực tập tại công ty để có thể định hướng cho các em một chuyên ngành, một sở trường phù hợp, nhưng thật buồn là chẳng biết định hướng cho các em như thế nào. Tôi đưa ra một số câu hỏi mà tôi nghĩ hết sức đơn giản, ví dụ như:
    + Em thích ngôn ngữ lập trình nào nhất?
    – Hầu hết các em cái gì cũng thích nhưng thực sự chẳng biết mình thích gì nhất, có thể vì trong trường ít được học php, nhóm mình chủ yếu là php, nên sợ nói rằng thích .net, thích asp, hoặc thậm chí thích C++ hay Pascal thì sẽ không được nhận vào nhóm mình chăng?

    + Ra trường em muốn làm ở đâu và làm công việc gì?
    – Tất cả đều ú ớ ậm ừ. Nhưng cái này có lẽ không chỉ ngành công nghệ thông tin, mà hầu hết sinh viên ngành nào cũng thế. Học là học thôi, không biết học xong mình sẽ làm cái gì, phải chăng vì thế mà có khá nhiều người ở VN đi học các lớp sau đại học?

    + Em có đang thực hiện 1 sản phẩm nào đó của riêng mình hay không? Chỉ mang tính chất nghiên cứu thôi cũng được.
    – Duy nhất 1 bạn nói là đang có 1 sản phẩm, nhưng mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, còn lại tất cả ngoài bài tập tốt nghiệp ra thì chẳng làm gì hết.

    Mình không nghĩ những câu hỏi này quá khó để trả lời. Nhưng tại thời điểm chỉ còn 1, 2 tháng nữa là tốt nghiệp đại học ra trường, vậy mà mình không tìm thấy được một câu trả lời nào của các bạn sinh viên mà mình gặp có thể cho mình cảm thấy yên tâm về nhân lực CNTT nước nhà.

    À nếu có thể thì nhờ anh chuyển lời tới bạn có cái ý tưởng doanh nghiệp CNTT trong nước đang há miệng chờ sầu riêng hộ mình:
    Chúc mừng bạn đã sắp sửa trở thành một công nhân trong ngành công nghệ thông tin. Nếu sắp tới bạn mong muốn 1 công việc ngày 10 – 12 tiếng đến cty, làm đúng việc và đúng hạn những gì mình được giao, hết giờ làm về lờ vờ xong lăn ra ngủ, sáng mai lại như vậy, thì chúc mừng bạn, bạn sẽ có 1 cuộc sống như vậy.
    Bên cạnh đó, bạn không hy vọng gì vào sự giáo dục của trường đại học, bạn không tự tìm tòi và đam mê nghiên cứu, bạn chờ đợi những cty out-source đến o bế mình, dạy mình thành thợ, dạy mình thành công nhân, như thế thiết nghĩ bạn mới là đang há miệng chờ đấy. Còn cái rơi vào miệng bạn là miếng sầu riêng hay trái sầu riêng hay không thì mình không biết, nhưng cho dù thế nào, cũng đắng lắm đấy! 🙂

  • A Apo. nói đây là quan điểm được chia sẻ từ 1 blog cá nhân.
    Nhưng thực sự đây là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Dạy cho các bạn ảo tưởng quá, nghiên cứu quá. Nghiên cứu nhiều nhưng chẳng làm được 1 sản phẩm nào. trong khi xã hội chỉ cần những thứ đơn giãn để tồn tại

  • thật tình cờ, mình thấy một tít trên mạng và vào đọc, thấy những dòng viết của a, cũng chưa biết a tên gì nhưng mình thấy rất thích, thích sự giao tiếp, cách nói chuyện ôn tồn, cái cách suy nghĩ tích cực của anh mà hầu hết các bạn trẻ hiện nay đang thiếu, và mình chắc cũng là một trong số đó.
    dù ko theo ngành cntt những cntt thì luôn áp dụng thiết yếu đối vs tất cả các ngành khác,và một nền khoa học công nghệ nước nhà mạnh thì cũng thúc đẩy sự tiến bộ trong tri thức, nhận thức của dân ta hơn.
    rất mong anh, người viết bài tít này sẽ có nhiều bài hơn nữa,quan tâm nhiều hơn nữa đến thế hệ kế tiếp.
    mong những thế hệ mới của đất nước sẽ làm cho đất nước tươi đẹp hơn, sánh vai với các nước trên thế giới như Bác từng nói.

  • Anh Hieu thu gia luong cao hon thi truong 30% xem nhan tai co do ve cong ty anh khong???? Toi dam bao anh co gia cao hon 50% thi truong thi anh van co lai. Chi co dieu no khong thoa man duoc tui tien cua 1 dan kinh doanh nhu anh thoi.

  • [quote]Hầu hết các CV đều liệt kê một loạt những danh sách dài dằng dặc những kỹ thuật mà mình biết – đa số những trường hợp này khi phỏng vấn đều là theo dạng “kênh nào cũng bắt, nhưng không có kênh nào nét”. Trong khi bản thân chúng tôi lại chỉ cần tuyển những người chuyên sâu một mảng, nhưng phải làm thật tốt, thật chuyên.
    [/quote]

    =====> Góp với anh một chuyện nhỏ, cũng là chuyện em mới góp ý với boss ở công ty mình.
    Các công ty khi tuyển đều đưa ra “một loạt những danh sách dài dằng dặc những kỹ thuật mà họ CẦN” một cách tham lam, nên họ nhận được một CV theo kiểu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”.
    Ứng viên họ cũng phải thích ứng với những yêu cầu đó thôi.

    Còn chuyện họ phát triển theo hướng kiến thức nền tốt + hỏi Google YouTube Nettus khi đụng chuyện theo em chẳng có gì ko ổn, thậm chí rất ổn. Những người như vậy chỉ fail khi họ nói dối (ko có kiến thức nền tốt tẹo nào), lười, thiếu đam mê (để đọc cho đủ, nghĩ cho sâu những gì họ tìm thấy rất dễ dàng trên net).

  • Bài viết rất hay và đúng thực trạng hiện nay.
    Em rất thích đoạn này(anh cho em xin):
    “Các bạn sinh viên, đã theo ngành thì phải đi đến tận cùng của sự đam mê, đã đam mê thì phải luôn chủ động tự tìm tòi, học hỏi trau dồi bản thân mình mà không cần phải đợi bất kỳ một ai dạy mình, tạo điều kiện cho mình.

    Trưởng phòng kỹ thuật hiện tại của tôi – một người tôi luôn luôn an tâm giao trọn mảng kỹ thuật – là một người tốt nghiệp từ ngành môi trường, một ngành không liên quan gì đến công nghệ và lập trình. Nhưng bạn đã sớm biết mình đam mê điều gì và đi hết mình với đam mê đó, bên cạnh đó là một tinh thần luôn chủ động tự trau dồi, cầu tiến.

    Và tôi thật sự mong những người như vậy sẽ ngày một xuất hiện nhiều hơn, thay cho lớp sinh viên thụ động ngồi trông chờ vào sự truyền đạt của người khác. Và làm mọi việc với một tinh thần: làm cho xong!”

    2
  • Chào anh,
    Em vẫn không hiểu tại sao các nhà tuyển dụng hay nói bằng cấp là thứ cuối cùng người ta nhìn đến trong hồ sơ tuyển dụng. Một số trường kỹ thuật đào tạo nhân lực luôn nhắm đến một lượng sinh viên theo hướng nghiên cứu. Chương trình ở các trường đó thường khá nặng (vì là theoretical and research-oriented – xin phép em dùng từ gốc TA). Xét về học lực những SV này luôn nằm trong top. Họ có thể không mạnh về mảng xã hội, không rành thứ anh cần đến từng chi tiết. Nhưng họ biết bắt đầu làm mọi thứ từ đâu. Anh từ chối những sinh viên như thế này ư?

    Một điều nữa, em thấy Silicon Valley thường hay được đem ra làm bình phong so sánh. Có điều các trường ở Mỹ là các trường tốt, tập trung ở California có đến hơn phân nữa là nằm trong “US Top 50 graduate schools”. Sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, hầu hết họ giỏi từ trong trứng. Sao có thể đem ra so sánh với sinh viên Việt Nam nói chung?

    • Lê Huy

      Rất thích !

    • Hieu

      Hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn T.Ho.
      Các anh chưa tìm đc developer thì lỗi là do các anh thôi, đừng đổ lỗi cho nguồn nhân lực. Gặp khó khăn thì cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh, bao giờ các anh mới lập nghiệp thành công được chứ?

      Để đơn giản, anh hãy so sánh chương trình học của trường ĐHBK Hanoi với các trường đại học hàng đầu (về tin học thôi nhé). Chương trình đào tạo đều rất sát nhau, và về cụ thể thì mục đích hướng tới của việc đào tạo kỹ sư CNTT không phải là để thông thạo một ngôn ngữ lập trình riêng biệt, chuyên sâu một vấn đề nho nhỏ j cả, mà là để có cái nhìn hệ thống, lúc gặp vấn đề nào cũng có thể biết đường đi, hướng giải quyết.

      Thực tế các công ty CNTT ở VN phần nhiều chỉ có tầm nhìn hạn hẹp, muốn phát triển nhanh chóng mà quên đi chiều sâu hệ thống. Các anh chê nhà em nhưng nhà em cũng phải nhận xét lại các anh như thế, hoàn toàn khách quan không có gì khác.

      Còn thì ở đâu cũng thế thôi. 100000 sinh viên sàng lọc được 100 – 200 sv có chất lượng là tốt lắm rồi. Anh đừng nhìn vào bề nổi của họ. Mà nếu anh nhìn thì cũng nhìn vào bề nổi của mình là cũng có nhiều nhóm sv ở VN thực sự rất tốt.

  • Thực chất bài này của blog Ngocchieu là mang nhiều cảm xúc cá nhân. Có lẽ dính “phốt” tuyển nhân sự nào đó chăng ? 😀
    Đợt trước mình tự đặt ra rất nhiều câu hỏi như thế ? tại sao kiếm lập trình viên khó khăn thế ? kiếm người làm cùng mình khó thế ?
    Đợt sau được thành bạn đưa ra câu trả lời rất đơn giản: “mày chưa có chính sách thu hút nhân lực hợp lý”

    còn riêng về cái comment của bạn kia trên FB của Ngochieu: mình thấy hơi buồn cười và trẻ con, thôi thì mỗi người có 1 nhu cầu, sự thực vẫn còn những con người đó tồn tại. Họ sống ko có 1 con đường, ko có tranh đấu, ko có tham vọng…>> ko mục đích (ko lý tưởng sống). Trong thế giới này họ vẫn tồn tại 🙂 cuộc đời thế mà trôi đi, đánh mất tuổi trẻ, nhiệt huyết.

    Chuyện bằng cấp: rất nhiều sinh viên đến nói mình là VN cổ củ cần bằng cấp, không giống Mỹ, Âu …Nhưng thực ra thì khi mình hỏi lại: em có gì để chứng tỏ khă năng của mình ? thì hầu như là 1 con số 0. Ở “tây” họ không cần bằng cấp, nhưng sinh viên họ có những project ấn tượng, có sản phẩm thực tế. còn sinh viên chỉ nói “suông”

    Vẫn hi vọng tìm được một chỗ nào mà: ném đá trúng 1 lập trình viên 😀
    ở ngoài HN chắc có ĐH công nghệ (đh quốc gia) & ĐH Bách khoa là ổn.

    1
  • Chẳng riêng nghề IT, nhiều ngành khác thuộc nhóm ngành công nghệ cũng đang gặp phải tình trạng như trên, công nghệ ở Việt Nam vẫng đang lặng lẽ theo sau.

    Anh Hiếu có đề cập “lớp sinh viên thụ động ngồi trông chờ vào sự truyền đạt của người khác. Và làm mọi việc với một tinh thần: làm cho xong!”. Điều này không sai. Giáo dục cần tạo nhiều cơ hội hơn cho học sinh tìm hiểu về các ngành nghề và mỗi quan hệ của nó trong xã hội. Bởi phần lớn các SV hiện nay khi thi vào ĐH họ đều chọn ngành một cách đại đại, khi vô ĐH rồi họ mới biết mình không phù hợp, và cứ thế học một cách tà tà, miễn có cái bằng ra trường ắt sẽ công ăn việc làm.

    Thế nhưng rất ít các bạn SV tìm một ngành nghề khác mà thực sự mình đam mê với nó. Bạn Duy Do ở trên là một trong những số ít đó. Chỉ có đam mê mới giúp chúng ta làm việc hết mình vì công việc, và khi bạn đam mê thì bạn có thể tự học, tự nghiên cứu còn hơn cả một SV được đào tạo “bài bản”. Cậu Nguyễn Long, sinh viên khoa Cơ khí của ĐHBK là một ví dụ. Mặc dù học ngành Cơ điện tử, nhưng Long đã tự mày mò tìm hiểu về lập trình, đến đầu năm 2012 một số phần mềm do Long lập trình trở thành phần mềm trả tiền được tải nhiều. Không lâu sau đó, RIM đã cử đại diện từ Canada sang Việt Nam gặp Long.

    Để có thể làm việc tận tình với công việc thì bạn cần phải có đam mê, nếu làm việc không đam mê bạn sẽ thấy cuộc đời mình chán ngắt. Và đây cũng chính là điều cần nhất mà hệ thống giáo dục của chúng ta cần làm.

  • Hữu Phương

    Em cũng là một sv CNTT đang theo học tại một trường đh nghe danh cũng hoành tráng lắm. Nhưng sau gần 3 năm học tập em thấy ntn:

    -Chương trình của nhà trường gần như chục năm chẳng có thay đổi gì lớn, những công nghê và kiến thức mà giờ hiện tại chẳng ai áp dụng. Dạy nhiều nhưng không sâu.

    -Hệ thống đánh giá nặng vào bài thi giữa kì và cuối kì (lý thuyết),trong khi đó các điểm thực hành chiếm trọng số rất nhỏ chỉ khoảng 25%, vì vậy học sinh nếu không có đam mê thì họ chỉ học vẹt lý thuyết rồi thi bỏ qua phần thưc hành, tìm tòi….

    -Dần dần sinh viên mất dần sự đam mê, hoăc mất định hướng không biết mình đang học gì không biết mình sẽ làm gì, dẫn tới việc thụ động….

    Sinh viên không cần nhà trường dạy mọi thứ cho sv, họ chỉ cần đươc thúc đẩy, truyền cảm hứng để nuôi đam mê sở thích, đươc chỉ dạy cách nghiên cứu và tìm tòi….nhưng những thứ đó sau gần 3 năm học em chưa tìm ra. Hj nhưng mà chắc còn lâu lắm mới thay đổi được anh ah, nên giáo dục của mình châm chạp và thụ động lắm. Em cứ sống và tìm tòi theo đam mê của mình thôi, cũng không trông đợi vào nhà trường cho em cái gì…..

  • I hope you don’t mind if I comment in English 🙂

    Thanks Anh Hieu for a good piece of writing. Though I agree with most of things you mention, I’d like to suggest one more. That is companies should invest in the future employees by creating a culture of success and innovation particularly.

    Colleges especially in Vietnam, don’t do a very good job of preparing their students for the workforce, both domestically and internationally (as the number 100,000 indicates). Put that aside, have Vietnamese companies, especially tech ones, done anything to promote the culture of innovation and cultivate technology interest in students? I’m talking about internships (paid), about tech talks, about hackathon, about domestic and international challenge, about rewarding engineers for what they have done for societies. We all know schools can only do so much, especially the old way of thinking and out-of-dated mentality existed in (most) college class-rooms (in Vietnam maybe).

    Silicon Valley has a culture, a tech one partly because coders from all around the world come and work and build the culture themselves. We are talking about hardwares and chips back in the day and now softwares. Broader than that, the U.S. culture of rewarding people not based on who they are from (not all the time) but on what they can do instead helps this tremendously. Programmers are treated well and they keep invent new products, new services. Some solely want to make this world a better place, some do because they want to make a lot of money and live the American dreams. The Indians can code, but I would argue they are more like robots.

    The point is, school does it part, and private sector has to chip in too. Nowsaday, with the wide-spread of the Internet, learning how to code from Youtube is a piece of cake. The point is, are students passionate and motivated enough to do so themselves? If not, how to make them do so? Manipulating their interests and cultivate passion, from employers’ perspectives, are extremely neccessary. Only when doing so tech companies can grow big and sustain.

    Don’t rely on school!

    • Cám ơn anh Phú đã chia sẻ góc nhìn của mình! Nó để lại cho cá nhân tôi rất nhiều suy nghĩ.

    • Rất đồng ý với anh Phú. Ở Mỹ người ta theo kỹ thuật, vì họ có giấc mơ Mỹ, và danh sách người thành đạt có nhiều người làm kỹ thuật hoặc xuất thân kỹ thuật; còn những giấc mơ Việt đã thành hiện thực thì không thấy dân kỹ thuật lắm, nhất là người làm kỹ thuật, học thuật thuần túy.

      Vấn đề ở tầm vĩ mô đã quá rõ: động lực và đam mê từ đâu?

      Còn ở tầm vi mô thì tự mình hi vọng và cố gắng thôi, nếu làm giáo dục (như mình) thì cố dậy học trò cho tốt, tránh được càng nhiều càng tốt các tiêu cực của giáo dục và giúp giáo dục khắc phục yếu kém của nó.

      1
  • ở trường không dạy những thứ tụi em muốn học. Em là một sinh viên ĐH ngành CNTT, cái này em hiểu nhất.
    1. Nếu chỉ dựa kiến thức ở trường ra mà có thể làm việc được quả là một điều ảo tưởng.
    2. Các bạn cùng trang lứa đi học kiểu “có càng nhiều bằng càng tốt”, như anh Hiếu đã nói ở trên, chín nghề chứ không phải nghề chính :)).
    3. Theo quan điểm cá nhân sinh viên 80% k có đam mê, học kiểu xu hướng, vs ngành nào không biết chứ CNTT không có đam mê thì vô dụng
    4. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, nền giáo dục cũ nát, tâm lý không vững vàng của các bạn sinh viên tất cả tạo ra một vòng lặp mà không phải ai cũng dám vượt qua.

    Em là sinh viên năm cuối CNTT nhưng cũng vừa mới nghỉ học, thực tế trong tư tưởng mọi người qá coi trọng bằng cấp, tư tưởng làm việc “làm lợi cho mình” hơn là xã hội, làm việc thiếu sự đam mê yêu thích, blah blah, mọi thứ một ít tạo ra một thế hệ CNTT rối ren, thiếu ý tưởng, chậm chạp….

    Suy cho cùng cũng chỉ vì tư tưởng cũ kỉ của cá nhân và của toàn xã hội :”>

    • Chào Hoàng, hãy cứ tự tin đi theo đam mê của mình em nhé! Bằng cấp chỉ là thứ yếu, bọn anh khi tuyển người cũng chỉ với mong muốn cuối cùng là làm được việc (xa hơn là cùng mình chung tay xây dựng công ty), bằng cấp luôn là cái cuối cùng anh nhìn đến.

      Em đã nhìn ra được những vấn đề, anh chúc em sẽ tách ra khỏi số đông ấy.

    • Lê Huy

      Chắc bạn Phan Hoàng học ở những trường đặc biệt nào đó rồi. Chứ những cái học ở các trường đại học bình thường, nếu học Ok chắc chắn là làm được.
      Bạn đang làm rất tốt Java Dev , cảm giác thích nó , bạn chia sẽ điều này với thấy hay người hướng dẫn bạn, Thầy cô hướng dẫn hổ trợ bạn rất nhiều, ở trường mình học có chuyện đó. Và sau khi tốt nghiệp đừng có làm thương mại điện tử hay gì gì đó để nói là làm không được .
      Ở trường đại học có một cái mà người ta gọi là chuyên ngành đó bạn ah. Sau kiến thức nền là chuyên ngành. tại đó bạn tha hồ mà cày xới …

    • Ngoc Quang

      Ạc… ngày xưa mình mơ ước được vào học CNTT trong 1 trường ĐT, trường nào cũng được ^_^ mà học dốt quá nên không đậu trường nào :(( Đến giờ cũng vẫn mơ ước vậy, mặc dù chưa biết nếu mình được đi học thì .. sẽ đi về đâu 😀

      Nói chung cái gì cũng quay quanh chữ đam mê, có đam mê bạn sẽ có tất cả. Dám làm cái mình nghĩ. Ngành nào cũng thế.

      Nếu học CNTT mà không đam mê thì học thêm 10 năm nữa cũng vậy thôi.

      1 cách dễ nhìn ra đam mê nhất là tự nghĩ lại mỗi ngày mình ngồi học + làm (ví dụ: lập trình) mấy tiếng 😀

      Lâu lâu cũng ngạc nhiên, LTV nước mình cũng lên đến vài chục ngàn, mà những phần mềm tự LTV viết chỉ được vài chục, mặc dù trình độ đủ khả năng làm. Tự viết phần mềm cho mình là 1 cách học tốt nhất đó, đừng nghĩ sẽ thành công, nhưng cái thành công là kinh nghiệm sẽ có được.

      Mọi người có tự nghĩ sao open source thế giới nhiều vậy, thật ra 1 phần trong đó là họ tự luyện skill viết ra đó. Mình đã thấy rất nhiều freelancer nước ngoài, họ làm tự do, nhưng trong profolio có kha khá opensource cho mọi người download về dùng.

      Chỉ vậy thôi.

      “Đừng nghĩ tổ quốc làm gì cho ta, mà hãy nghĩ ta đã làm gì cho tổ quốc” ha.ha.a hơi tiêu cực 1 chút, nhưng ý này cũng hay về 1 phương diện nào đó.

      Bill Gate cũng từng nói qua, dù ông tự nghỉ học Đại học, nhưng Microsoft chỉ tuyển dụng những người có bằng Đại Học. Chắc do nước ngoài đào tạo chất lượng tốt :X :X

      Mình sống ở VN, thời đại này thì chấp nhận những cái mình chưa thay đổi được, quyền lực sẽ dần chuyển sang tay chúng ta (chắc tầm 50t+ Y_Y ) lúc đó muốn làm gì thì làm 😀 Lâu nữa thì đến đời con 😀

      hix.. kể ra xấu hổ, 1 người bạn lúc trước mình ngồi hướng dẫn làm đề án tốt nghiệp ĐH CNTT, đạt thành công có bằng ĐH, mà giờ bạn ấy đang làm ngành bán mỹ phẩm, bây giờ Word còn không biết mở ra sao Y_Y còn mình thì …

  • Nam Nguyễn

    Haiz rầu! Bị hiểu sai ý.

  • Đúng là hiện tại số lượng lập trình viên ở VN khá đông đúc nhưng để tìm được LTV có chất lượng một chút là một công việc khá vất vả. Bên em cũng đang tìm LTV làm big data nhưng mấy tháng rồi vẫn không tìm được.

    Trưởng phòng KT anh nhắc đến có phải là bạn LTS không ạ?

    • Đúng rồi em, là LTS, một người nhân viên, người em mà anh rất quý. Bên cạnh đó còn những người khác nữa đang làm việc trong công ty, cũng với tinh thần đó. Anh thấy mình may mắn tìm được những cộng sự này.

      Chúc em sớm tìm được người vừa ý nhé!

    • Cám ơn anh nhé.

      Em biết S từ khi còn là SV học trên ĐL, mặc dù học môi trường nhưng em ấy có niềm đam mê mãnh liệt về công nghệ. Một người em rất đáng qúy.

Trả lời cho Nam Nguyễn Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer