Thủy chiến Thị Nại – Bối cảnh lịch sử

Trong hình là bức ảnh cửa biển Thị Nại tôi chụp được trong chuyến đi Xuyên Việt năm 2009. Nhìn cảnh mây nước hữu tình này, chúng ta khó có thể tưởng tượng tại nơi đây, hơn 200 năm về trước đã từng diễn ra một trong những trận thủy chiến ác liệt nhất giữa 2 đạo quân hùng mạnh trong cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn.

Rất nhiều người đã đọc Tam Quốc Chí và gần đây hơn là xem bộ phim Xích Bích, chúng ta – những người Việt trẻ hẳn đã hiểu rất nhiều về bối cảnh cũng như diễn biến của cuộc chiến này. Khi xem bộ phim Xích Bích tại rạp, tôi chợt liên tưởng đến trận chiến Thị Nại – một trận chiến cũng vĩ đại không kém, cá nhân tôi cho rằng trận chiến này còn có nhiều chi tiết hay hơn cả trận Xích Bích. Với trận Xích Bích, chúng ta chỉ thấy phần nhiều về những lợi ích cá nhân, những tài năng cá nhân, Chu Du và Gia Cát Lượng, cũng như Tào Tháo. Nhưng trong trận chiến Thị Nại, ngoài những tài năng quân sự, những chiến lược kiệt xuất – chúng ta còn có những câu chuyện đẹp như những thiên anh hùng ca về sự cao thượng, quân tử, về tình người đối xử với nhau dù ở 2 chiến tuyến.

Khi xem phim, tôi chỉ ước ao sao đến một ngày điện ảnh nước nhà đủ kỹ thuật, đủ năng lực để làm những bộ phim với quy mô như vậy. Tôi viết bài này không mục đích nào khác ngoài việc chia sẻ lại một câu chuyện bi hùng trong hàng ngàn những câu chuyện của lịch sử đất nước. Mong rằng sau khi đọc, nó sẽ tiếp thêm được chút cảm hứng cho những người trẻ chúng ta quay về với lịch sử nước nhà. Vì lịch sử nước Việt chúng ta không thiếu những câu chuyện hay và rất đẹp. Và thủy chiến Thị Nại là một trong những câu chuyện như thế.

Vài điều thưa trước

Trong bài, thỉnh thoảng tôi có dùng từ Gia Long thay cho Nguyễn Ánh, dẫu rằng việc dùng từ này không chính xác vì chỉ sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, chọn niên hiệu là Gia Long thì tên gọi Gia Long của Nguyễn Ánh mới chính thức xuất hiện. Lý do đơn giản là vì tôi thích từ Gia Long hơn từ Nguyễn Ánh (cũng như tôi thích dùng Quang Trung hơn là Nguyễn Huệ – chỉ là một sở thích cá nhân).

Các sử liệu trong bài chủ yếu được tham khảo từ các sách sử chính thống, tuy nhiên vẫn có một số nguồn từ các giai thoại lịch sử, các nguồn ngày bao gồm: những sách truyện lịch sử và những lời kể tôi được nghe từ những người đam mê sử, những nguồn thông tin này tuy chưa được xác định nhưng vẫn là những nguồn khá tin cậy. Dẫu sao điều này về nguyên tắc là không được (vì không phải là những nguồn chính thống) nếu đây là một bài nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên tôi không dám xem bài này là một bài nghiên cứu lịch sử – mà chỉ đơn giản bài viết này như một câu chuyện kể, một đoạn phim nho nhỏ về một giai đoạn bi hùng của lịch sử.

Bài viết tôi sẽ cố gắng đảm bảo tính khách quan nhất có thể, cũng như những tư liệu chính xác nhất có thể – nếu nguồn nào dùng từ những nguồn tin không chính thống, tôi sẽ có ghi chú rõ.

Bối cảnh

Để hiểu rõ về bối cảnh lịch sử vì sao dẫn đến trận thư hùng quyết định này, tôi xin tóm tắt một cách sơ lược cuộc chiến tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn cho đến thời điểm nổ ra trận chiến.

Năm 1771, vì những nhiễu nhương của chính quyền chúa Nguyễn – lúc đó là chúa Nguyễn Phúc Thuần, dân chúng không còn cảnh thái bình như thời đầu của các chúa Nguyễn. Ở Quy Nhơn, nhà Tây Sơn nổi dậy lãnh đạo khởi nghĩa và dần dần tập họp được nhiều hiền tài, lực lượng dần lớn mạnh.

Sau đó 7 năm, năm 1778 – Nguyễn Nhạc lên ngôi ở cũng tại Quy Nhơn, lấy hiệu là Thái Đức. Cùng năm, sau khi đã bình định được vùng Bắc Hà (miền Bắc hiện nay), Nguyễn Huệ cũng lên ngôi ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung. Một nước hai vua, anh em nhà Tây Sơn bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn và thậm chí đã có lúc đánh nhau, khi vua em Quang Trung kéo quân vây thành Quy Nhơn. Sau đó nhờ những dàn xếp chính trị, mọi việc tạm ổn định.

Thị Nại là một vịnh biển, nó là con đường gần như duy nhất bằng đường thủy để các chiến hạm đổ bộ khi công thành Quy Nhơn. Trước đó ở Thị Nại đã từng diễn ra một trận thủy chiến rất lớn – tuy không lớn bằng trận trong bài này. Khi đó hạm đội của vua Thái Đức đậu ở Thị Nại đã bị quân nhà Nguyễn đánh úp và thiệt hại rất nặng nề.

Không thể chấp nhận tiếp tục tình trạng như thế, sau khi đại thắng quân Thanh ở Bắc Hà, Quang Trung quyết tâm diệt cho bằng được nhà Nguyễn, ông bắt đầu lên một chiến dịch với số lượng quân thủy bộ rất lớn để Nam tiến nhằm tiêu diệt hoàn toàn quân đội nhà Nguyễn. Tuy nhiên chiến dịch chưa bắt đầu thì vua Quang Trung lâm bệnh và băng hà, con ông là Quang Toản lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Đến đây thì nhà Tây Sơn bắt đầu rối ren.

Tấn công thành Quy Nhơn lần 1

Thường thì để công thành Quy Nhơn phải dùng chiến lược phối hợp 2 nhánh quân thủy bộ, thủy binh sẽ theo cửa biển Thị Nại vào đầm Thị Nại và đổ bộ, từ đó đi vòng lên hội quân với bộ binh đi từ ở phía Nam để áp sát thành. (Hình minh họa tui chụp từ Google Maps nên có thêm mấy cái quốc lộ 1 và 19 – lưu ý: hồi đó không có 😀 )

Năm 1793, Gia Long bắt đầu xuất quân theo 2 hướng, thủy binh do 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương chỉ huy, bộ binh chỉ huy bởi các tướng Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành và đặc biệt là tướng tài Nguyễn Huỳnh Đức. Thủy binh nhanh chóng chiếm được thành Diên Khánh, cùng lúc bộ binh cũng tiến chiếm thành Bình Thuận và sau đó là thành Phú Yên. Bộ binh chỉ huy bởi 2 tướng Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Thành tiếp tục tấn công áp sán thành Quy Nhơn từ phía nam, mặt trước thủy binh của tướng Võ Tánh cũng tiến vào cửa Thị Nại và bắt đầu đổ bộ.

Thành Quy Nhơn bị bao vây 2 mặt. Tình thế rất nguy cấp, vua Thái Đức đành phải cầu viện vua Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh sai tướng Ngô Văn Sở và Phạm Công Hưng chỉ huy đại binh tiếp cứu thành Quy Nhơn. Phân tích lực lượng viện binh quá lớn, Gia Long quyết định rút đại binh về Diên Khánh để tránh tổn thất. Việc chiếm thành Quy Nhơn lần 1 thất bại.

Cần nói thêm đôi chút giai đoạn này, lúc này nhà Tây Sơn đã suy, tình hình rối ren, hôn quân bất tài lên ngôi (vua Cảnh Thịnh) nên lòng dân lúc này gần như ngã nhiều về phía nhà Nguyễn. Nhà Tây Sơn bắt đầu dấu hiệu tối tăm, ngay cả việc gửi quân giải cứu Quy Nhơn, quân của vua Cảnh Thịnh (là cháu của vua Thái Đức) đã không về mà ở lại luôn Quy Nhơn khiến (một hành động chiếm giữ) khiến vua Thái Đức vì tức giận mà chết.

Năm 1799, Nguyễn Ánh xuất quân lần 2 quyết chiếm thành Quy Nhơn…

Tấn công thành Quy Nhơn lần 2

Địa thế của thành Quy Nhơn có 2 mặt phòng thủ rất quan trọng. Ở phía Nam là núi Hàm Long, núi này là điểm trọng yếu để bảo vệ mạn nam thành Quy Nhơn. Mạn phía bắc là ba ngọn núi Cung Quăng, Sa Lung và Thạch Tân, 3 ngọn núi này tạo thành bức tường thiên nhiên để che cho mặt bắc cho thành Quy Nhơn. Ai chiếm giữ được dãy núi này thì có thể dễ dàng kềm chân các mũi tấn công từ hướng Bắc xuống.

Nguyễn Ánh đích thân chỉ huy thủy binh tiến vào cửa Thị Nại, 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức cho quân đổ bộ lên bờ và tiến đánh núi Hàm Long, tại đây đã diễn ra trận kịch chiến giữa một bên là quân của 2 tướng Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức và một bên là tướng Võ Đình Tú – tướng Võ Đình Tú cũng là một tướng tài của nhà Tây Sơn, là một trong 7 tướng tài giỏi nhất của Tây Sơn (Tây Sơn thất hổ tướng). Thế ở núi Hàm Long dễ thủ hơn công, sau cùng vì trúng kế điệu hổ ly sơn, quân Tây Sơn đã thất thủ, tướng Võ Đình Tú tử trận.

Cùng lúc ở mạn Bắc, quân nhà Nguyễn chỉ huy bởi tướng Tống Phước Hiệp trấn giữ dãy núi Cung Quăng để ngăn không cho quân từ Phú Xuân tiến vào cứu viện như lần 1.

Thế của thành Quy Nhơn lúc này đang dần bị ép lại từ 3 phía, phía Nam đang bị tướng Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức trấn giữ và có thể tiến đánh bất kỳ lúc nào. Phía Bắc viện binh từ Phú Xuân không thể xuống được và đại quân công thành của Nguyễn Ánh thì hiện đang ở đầm Thị Nại.

Nguyễn Ánh bắt đầu cho đổ bộ thủy binh để vây thành Quy Nhơn, cùng lúc tướng Võ Tánh kéo quân tiến đánh mạn Nam thành. Tuy nhiên thành Quy Nhơn là một thành vững, khi đã vào thế thủ thì rất khó công. Quân của Nguyễn Ánh đánh mãi vẫn không hạ được thành (lúc này trấn giữ thành Quy Nhơn là tướng Lê Văn Thành).

Ở mạn bắc, đại quân cứu viện chỉ huy bởi 2 tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng tiến vào từ Phú Xuân. Tuy nhiên bị quân của Tống Viết Phước chặn lại ở dãy núi Cung Quăng đã nói ở trên, một lần nữa địa thế ở đây thủ dễ hơn công. Quân viện binh tấn công mãi không thể qua được.

Thêm nữa vào lúc này ở triều đình Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nghe lời gièm pha của bọn nịnh thần, đa ra mật lệnh cho tướng Võ Văn Dũng giết Trần Quang Diệu. Võ Văn Dũng kháng chỉ và báo lại cho Trần Quang Diệu vì thấy lệnh đó là vô lý. Trần Quang Diệu là trọng thần theo Tây Sơn từ những ngày đầu tiên, suốt một đời trung thành với nhà Tây Sơn, nay vua Cảnh Thịnh vì nghe những lời xàm tấu mà ra lệnh như vậy, Trần Quang Diệu nổi giận cho chuyển hướng đại binh quay trở lại Phú Xuân quyết xử hết bọn nịnh thần.

Trong thành đợi mãi không thấy viện binh, Lê Văn Thành đành phải mở cửa thành ra hàng. Nguyễn Ánh nhập thành và đổi tên lại là thành Bình Định, trong cái nhìn của nhà Nguyễn, Tây Sơn trước sau chỉ là một nhóm nổi loạn, ông đổi tên thành Bình Định ý rằng nơi đây cuối cùng đã được Bình Định.

Thời điểm này trấn giữ Phú Yên là tướng Nguyễn Quang Huy của nhà Tây Sơn. Được tin thành Quy Nhơn thất thủ, nhận ra mình đang bị khép giữa 2 cánh quân nhà Nguyễn, từ Quy Nhơn ở phía Bắc và từ Diên Khánh ở phía Nam, nếu cả 2 cánh quân này đồng loạt tấn công thì khó bề chống đỡ.

Tướng Nguyễn Quang Huy quyết định tiến quân ra cứu Quy Nhơn. Tuy nhiên đó là một bước đi sai lầm của tướng Nguyễn Quang Huy, vì khi tiến quân ra Quy Nhơn thì thành Phú Yên lực lượng sẽ mỏng. Nhận ra điều đó, tướng Nguyễn Văn Thành từ Diên Khánh kéo lên đánh chiếm Phú Yên. Lúc này Nguyễn Quang Huy nhận ra nếu Phú Yên thất thủ, quân của ông sẽ không còn đường lui, do đó ông buộc phải quay lại giữ thành Phú Yên.

Trong lúc tướng Nguyễn Quang Huy giao chiến với quân của tướng Nguyễn Văn Thành, ở mặt bắc Nguyễn Ánh quyết định cho tướng Nguyễn Huỳnh Đức ra tiếp đánh. Quân của tướng Nguyễn Quang Huy cũng lúc bị tấn công cả từ 2 phía bắc và nam nên không chống đỡ nổi, tướng Nguyễn Quang Huy sau khi chiến đấu dũng cảm phải bỏ thành lên núi Dương An, thành Phú Yên thất thủ. Nhà Nguyễn thống nhất một dải từ Nam ra đến Quy Nhơn.

Sau khi ổn định tình hình ở thành Quy Nhơn – lúc này đã đổi tên là thành Bình Định. Nguyễn Ánh giao thành Bình Định lại cho tướng Võ Tánh cùng với thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ông kéo đại binh về Gia Định.

Về phía Trần Quang Diệu, sau khi xử xong bọn nịnh thần ở Phú Xuân. Tình thế lúc này rất nguy cấp, nhà Tây Sơn mất thành Bình Định xem như quân Nguyễn đã ở ngay sát Phú Xuân. Trần Quang Diệu quyết tâm chiếm lại cho bằng được thành Bình Định. Ông tập hợp đại quân chia làm 2 mũi, bộ binh do chính ông chỉ huy và thủy binh do đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy tiến về thành Bình Định.

Dàn quân

Tháng 1 năm 1800, đại quân của Trần Quang Diệu vượt qua Bến Đá và tiến thẳng về thành Bình Định, cùng lúc thủy binh của đô đốc Võ Văn Dũng đổ bộ. Cả 2 cánh quân tiến đánh thành Bình Định. Tướng Võ Tánh ra giao chiến nhưng vì đại binh của Tây Sơn quá lớn nên không chống đỡ nổi phải rút vào thành cố thủ, đồng thời báo tin về Phú Yên và Gia Định xin cứu viện.

Như trên đã nói, thành Bình Định là một thành dể thủ khó công. Nên dù với quân lực hùng hậu, tướng Trần Quang Diệu cũng không thể chiếm được thành. Ông quyết định cho xây đắp số lượng rất lớn trượng lũy xung quanh dùng chiến thuật vây thành cho đến khi trong thành hết binh lực.

Trấn giữ ở cửa Thị Nại là hạm đội thủy quân cực kỳ hùng mạnh của Tây Sơn nhằm ngăn không cho thủy binh của quân Nguyễn tiếp viện bằng đường thủy – gần như tất cả sức mạnh thủy binh của Tây Sơn đều tập trung ở đây.

Nhận được tin nguy cấp thành Quy Nhơn đang bị đại binh hùng mạnh của Tây Sơn vây đánh, Nguyễn Ánh chuẩn bị đại quân cùng hạm đội hùng hậu tiến ra ứng cứu. Một bên quyết chiếm cho bằng được, một bên quyết tâm không để mất. Trận Thị Nại bắt đầu…

...

Thủy chiến Thị Nại

15 comments On Thủy chiến Thị Nại – Bối cảnh lịch sử

  • Bài vết hay đấy bác.

    1
  • Rất cám ơn những thông tin bác post lên. Đọc bài cũng coi như tìm hiêu được thêm 1 bài học về lịch sử nước nhà!

  • Anh viết hấp dẫn ghê !!

  • quang huyền

    Tôi rất kính trọng nhiệt huyết đối với lịch sử nước nhà, kiến thức vững vàng và sự nhiêm túc của tác giả. Sử viết sinh động và nghiêm chỉnh như thế này thì ai cũng muốn đọc và thích đọc. Xin cảm ơn người viết.

  • Pingback: LẠM BÀN VỀ SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY - Nguyen Cong's Blog ()

  • e muon ro hon ve cai ten THI NAI.Hay thi nai chi la moy ten goi nhau vay thui hay la mot nhan vat nao do vay anh….//?????

  • Pingback: Thủy chiến Thị Nại - P2: Diễn biến | Apo's Blog ()

  • Chào bạn, xin phép sử dụng một số bài viết và hình ảnh của bạn để đăng tải trên trang web http://binhdinh.info nhé. 🙂

  • Bi tráng và xót xa.

  • hay! 😀

  • Những câu chuyện lịch sử như vậy được đầu tư dựng thành phim, qua dó cho lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt hơn gấp trăm lần mấy cái dự án hoành tráng lãng phí.

  • Vo Cao Thang

    Đọc link của em và tưởng tượng ra những trận đánh đang diễn ra máu lửa, cảm xúc thật mãnh liệt. Phải chi có ai làm phim hay truyện tranh về những trận thế này thì hay biết mấy nhỉ?Nên chăng Quốc hội duyệt kinh phí làm phim lịch sử VN thay vì làm đường sắt cao tốc hen!hehe

  • Gần đây anh Apo thích viết về lịch sử nhỉ (: Mà phải công nhận là nhờ đọc mấy bài viết này mà kiến thức của em về Lịch sử Việt Nam được cải thiện đáng kể, cũng không còn thấy nặng nề và khô khan mỗi khi tiếp cận với “tụi nó” nữa :>

    Chuyển nghề đi anh Apo ui 😀

  • Chào anh, em cũng là một người rất mê lịch sử và từ trước giờ vẫn luôn tự hào về vốn sử của mình nhưng xem xong những bài viết của anh, tự dưng thấy xấu hổ ghê. Kiến thức của anh rộng và sâu quá, em phải gọi là sư phụ mới được! Hihi…

  • Công nhận là hay và có ý kiến thế này: Có nên làm thầy khôg nhỉ? Dạy môn lịch sử như thế này thì bọn học sinh mê tít :))

Trả lời cho tuyentuyen Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer