Thủy chiến Thị Nại – P2: Diễn biến

Sau một thời gian bỏ bê blog rêu phong không viết gì, hôm nay tôi tiếp tục quay trở lại với chủ đề đã bỏ dang dở bấy lâu nay – Trận thủy chiến Thị Nại. Những ai chưa đọc phần một vui lòng tham khảo để nắm được bối cảnh chung trước khi diễn ra trận Thị Nại cùng một số lưu ý về cách viết của người viết.

Trước khi bắt đầu về diễn tiến trận thủy chiến kinh thiên động địa này có lẽ chúng ta nên điểm qua sơ bộ về binh lực đôi bên để hình dung được độ lớn của trận đánh này.

Hải quân nhà Nguyễn

Đứng đầu là hoàng đế Gia Long – là một người cách tân, nhìn xa trông rộng, ông luôn luôn coi trọng việc phát triển hải quân và dành sự đầu tư rất lớn cho việc xây dựng các hạm đội của mình. Ông có tinh thần tiếp thu cởi mở đáng ngạc nhiên so với các thời trước và cả sau đó, ông tập trung cho nghiên cứu và tìm hiểu các kỹ thuật đóng tàu cũng như kỹ thuật tác chiến hiện đại của phương Tây. Đã từng có câu chuyện kể lại khi Gia Long cho mua 1 chiến hạm của nước ngoài về và cho tháo rời tất cả để nghiên cứu rồi từ đó ông cho đóng một loạt tàu chiến mới thậm chí còn mạnh hơn chiếc đã mua.

Hình chỉ mang tính chất minh họa

Vua Gia Long cũng dành rất nhiều sự quan tâm nghiên cứu chiến lược và kỹ thuật tác chiến mới, ông cho mời rất nhiều chuyên gia quân sự từ phương Tây về làm cố vấn cho mình. Ông được coi người như tiên phong trong việc sử dụng chiến thuật dùng hải pháo đánh mở đường cho bộ binh. Hơn thế nữa, đích thân vua Gia Long cũng là hạm trưởng của một soái hạm và đã từng thân chinh rất nhiều trận chiến mà trận Thị Nại là một trong những trận như vậy. Rất nhiều người đồng tình với quan điểm có thể coi vua Gia Long như cha đẻ của hải quân hiện đại.

Để viết chi tiết về đề tài này chắc có khi cần cả một bài chi tiết mà phạm vi bài này hứa hẹn sẽ rất dài nên tôi xin ngưng lại đề tài về vua Gia Long ở đây.

Dưới vua Gia Long là rất nhiều các tướng tài khác, riêng trong trận này thì chúng ta có các tên tuổi lẫy lừng như: Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Võ Duy Nghi (người hy sinh trong trận này), Nguyễn Văn Thành, Trương Tấn Bửu và một số sĩ quan cao cấp người Pháp chỉ huy các chiến hạm.

* Tả Quân Lê Văn Duyệt: là một trong những công thần của nhà Nguyễn từ những ngày đầu tiên, ông tham gia rất nhiều trận chiến lẫy lừng cùng vua Gia Long mà một trong số đó là trận thủy chiến Thị Nại này. Tả quân Lê Văn Duyệt có thời làm tổng trấn thành Gia Định và rất được lòng dân. Ông từng được in trên tờ tiền của Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa, hiện nay lăng của ông nằm ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu gần chợ Bà Chiểu rất đẹp.

* Tướng Võ Tánh: một võ tướng thuộc hàng rường cột của nhà Nguyễn. Ông được người đời xưng tụng là Gia Định Tam Hùng, câu chuyện về ông chính là nguồn cảm xúc để tôi viết nên loạt bài này. Chúng ta sẽ trở lại với tướng Võ Tánh chi tiết hơn ở phần sau.

Về binh lực, vào thời điểm đó nhà Nguyễn có hơn 140.000 quân trong đó hải quân chiếm gần 27.000. Số lượng hạm đội cực kỳ hùng hậu với rất nhiều loại tàu chiến hiện đại. Về số lượng tàu chiến trong trận Thị Nại này có tài liệu nói lên đến con số 1000 chiến hạm lớn nhỏ. Về sự đa dạng của các loại chiến hạm, vua Minh Mạng đã cho khắc lên Cửu Đỉnh từng loại chiến hạm mà ngày nay chúng ta có thể thấy khi tham quan Đại Nội (Cửu Đỉnh được đặt trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu).

Hải quân Tây Sơn

Hải quân Tây Sơn tuy không giao lưu nhiều với phương Tây, nhưng dưới quyền lãnh đạo của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ thì hải quân Tây Sơn thật sự là một lực lượng hùng hậu bấc nhất thời bấy giờ. Nguyễn Huệ đã cho đóng nhiều chiến hạm có kích thước và sức mạnh ngang ngửa các chiến hạm của Châu Âu – nếu không muốn nói là trội hơn. Trong số đó điển hình có thể kể là pháo đài biển Định Quốc, chiến hạm này được trang bị hơn 60 hải pháo và có thể vận chuyển được cả tượng binh, riêng chiến hạm loại này Tây Sơn đã có đến gần 20 chiếc, ngoài ra còn có hàng chục chiến hạm hạng trung khác, cùng hàng trăm tàu chiến loại được trang bị đại bác và vô số thuyền chiến cỡ nhỏ.

Bên cạnh đó, Tây Sơn còn một loại vũ khí rất lợi hại nữa là súng hỏa hổ. Để dễ hình dung thì đây là loại súng gần giống như súng phóng lựu ngày nay, đầu đạn có thể được thay bằng nhiều loại khác nhau mà súng có thể phóng ra nhựa cháy (kiểu như bom Napalm 😀 ), khói độc hoặc lựu đạn.

Về kỹ thuật tác chiến, sau khi đã kinh qua rất nhiều trận đánh long trời lở đất khác như trận ở cửa Cần Giờ, cửa Hàm Luông và nổi tiếng nhất có lẽ là trận Rạch Gầm Xoài Mút khi mà trong chưa đầy một ngày đã tiêu diệt gần như toàn bộ 50.000 quân Xiêm… không ai có thể nghi ngờ về khả năng tác chiến của quân Tây Sơn.

Trong trận Thị Nại này, với quyết tâm chiếm lại cho bằng được thành Bình Định nên gần như tất cả sức mạnh hải quân của Tây Sơn đều tập trung lại tại đây. Tuy lúc này vua Quang Trung đã băng hà, nhưng hải quân Tây Sơn vẫn rất mạnh và thêm vào đó dưới quyền chỉ huy của Đại đô đốc Võ Văn Dũng – một dũng tướng của Tây Sơn, người đã từng kề vai sát cánh với vua Quang Trung từ những ngày đầu tiên, không ai dám có thể coi thường sức mạnh của hải quân Tây Sơn.

Cầm quân chính trong trận này là 2 cánh quân thủy bộ khổng lồ do trụ cột của Tây Sơn là tướng Trần Quang Diệu và đô đốc Võ Văn Dũng. Ngoài ra còn một cánh quân bộ ở mạn nam được chỉ huy bởi tướng bộ binh dày dạn kinh nghiệm khác là Nguyễn Quang Huy.

Diễn biến

Tiếp theo bài trước, khi biết đại quân hùng mạnh trên bộ của Trần Quang Diệu đang tiến chiếm thành Bình Định, tướng Võ Tánh – lúc này đang nhận nhiệm vụ giữ thành – đã cho quân ra giao chiến, nhưng do đại quân của Tây Sơn quá lớn nên không thể nào chống đỡ nổi. Tướng Võ Tánh cho thu binh vào thành cố thủ. Như đã nói, thành Bình Định một khi đã vào thế thủ thì quân bên ngoài rất khó công, nếu để ý ta sẽ thấy gần như tất cả các trận công thành trước đây của cả 2 bên đều không thành công. Trong trận tiến chiếm thành của Nhà Nguyễn lần trước cũng là do tướng Lê Văn Thành giữ thành bị vây không còn binh lực nên phải ra hàng.

Màu đỏ là bố trí quân Tây Sơn, màu vàng là quân Nguyễn

Lần này cũng vậy, tuy với quân số áp đảo nhưng tướng Trần Quang Diệu vẫn không thể công thành do đại pháo và cung thủ trên thành bắn xuống liên tiếp khiến cho bộ binh không thể áp sát chân thành. Trần Quang Diệu quyết định vây thành, ông cho xây dựng một số lượng rất lớn các trượng lũy xung quanh thành. Ở mạn nam, ông phân công tướng Nguyễn Quang Huy canh giữ không cho bộ binh của nhà Nguyễn đánh ra.

Như bài đầu đã phân tích, do địa thế đặc biệt nên để đánh thành Bình Định không thể chỉ dùng mỗi bộ binh. Nhà Nguyễn biết điều này nên theo chiến thuật thì bắt buộc phải tạo thành được thế gọng kềm 2 mặt, bộ binh từ phía Nam đánh lên và hải quân đổ bộ vào cửa Thị Nại. Và tất nhiên, Tây Sơn cũng biết điều này nên đã huy động hạm đội cực lớn – gần như là tất cả sức mạnh hải quân của Tây Sơn đều dồn vào trận chiến này. Một canh bạc của cả hai bên mà bên thua sẽ dẫn đến kết cục ảnh hưởng lớn đến đại cuộc chung.

Chiến thuật ban đầu của quân Nguyễn

Như đã nói bên trên, nhà Nguyễn dùng 2 nhánh quân chính là bộ binh từ phía Nam và thủy binh đổ bộ từ Thị Nại.

Bộ binh được huy động số lượng rất lớn trong đó có cả kỵ binh và tượng binh do tướng Nguyễn Văn Thành chỉ huy cùng các tướng dưới quyền là Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu. Tổng cộng chia làm 3 đạo quân lớn tiến đánh các đồn Hội An rồi tiến thẳng ra đồn Thị Dã ở mạn Nam thành Bình Định. Tuy nhiên cánh quân bộ này bị chặn đánh bởi tướng Nguyễn Quang Huy của Tây Sơn và viện binh do tướng Trần Quang Diệu cử xuống.

Ở đường biển, do thủy quân giữ vai trò rất quan trọng trong trận chiến này nên Nguyễn Ánh đã đích thân chỉ huy cùng bên dưới là hàng loạt tướng lãnh nhiều kinh nghiệm hải chiến: Lê Văn Duyệt, Võ Duy Nghi cùng hàng loạt tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm người nước ngoài. Với hạm đội và số lượng thuyền chiến khổng lồ.

Về phía Tây Sơn, biết rõ vị trí trọng yếu của Thị Nại, đô đốc Võ Văn Dũng đã cho đặt hàng loạt đại pháo đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai (là cửa ngõ để vào Thị Nại). Án ngữ ở cửa biển là 3 đại chiến hạm “Định Quốc” trấn giữ, phía sau là hạm đội khổng lồ trên biển. Với sự phòng thủ này thì đô đốc Võ Văn Dũng có thể chắc chắn rằng quân nhà Nguyễn không thể đưa được 1 chiến hạm nào vào Thị Nại mà không bị đốt cháy.

Và quả đúng như vậy, sau rất nhiều trận giao chiến khốc liệt. Hải quân nhà Nguyễn vẫn không thể tiến vào được. Pháo từ hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai tỏ ra vô cùng nguy hiểm khi gần như nhấn chìm tất cả các chiến thuyền tiên phong của nhà Nguyễn từ trước khi giáp mặt với các chiến hạm của Tây Sơn.

Tình thế lúc này rất nghiêm trọng, quân của tướng Võ Tánh bên trong thành liên tục bị áp lực từ quân vây thành bên ngoài. Nguyễn Ánh quyết định thu quân về đảo Hòn Đất để họp bàn các tướng lại bàn kế sách tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn. Nhận định mùa có hướng gió thuận lợi, mọi người đi đến thống nhất là dùng hỏa công – đây là chiến thuật giống như trong bộ phim nổi tiếng Đại chiến Xích Bích khi quân của đô đốc Chu Du cũng dùng hỏa công tiêu diệt toàn bộ các chiến thuyền của Tào Tháo.

Thủy chiến

Rằm tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, tướng Nguyễn Văn Thành mang theo 1200 quân bí mật đổ bộ lên bờ, tiến đánh các hải đồn của Tân Sơn (rất nhiều sách sử ghi là Lê Văn Duyệt chỉ huy đạo quân này, riêng tôi thì ủng hộ nguồn nhận định của sử gia Huỳnh Minh – ông cho rằng cánh quân này phải do tướng Nguyễn Văn Thành chỉ huy, do lúc này Lê Văn Duyệt chỉ huy lực lượng hải quân). Các hải đồn này chính là nơi xuất phát của các hải pháo rất nguy hiểm khiến chiến hạm của nhà Nguyễn thiệt hại nặng nề trước cả khi giáp chiến với các chiến hạm của Tây Sơn. Nhiệm vụ của nhánh quân này là hạ các hải đồn trên bộ của Tây Sơn – cơn ác mộng của các chiến hạm khi tiến vào cửa Thị Nại và sau đó là chặn nhánh quân tiếp viện từ bộ của Trần Quang Diệu.

Cánh quân thủy được chỉ huy trực tiếp bởi Nguyễn Ánh, dẫn đầu là nhóm các chiến thuyền tiên phong của tướng Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương. Yểm trợ phía sau là hạm đội chủ lực chỉ huy bởi Lê Văn Duyệt và Võ Duy Nghi.

Sau khi đã áp sát được các hải đồn này, Nguyễn Văn Thành cho khai hỏa, cùng lúc đó toàn bộ hạm đội của nhà Nguyễn được lệnh tổng tấn công.

Ngoài biển, nhánh quân tiên phong của tướng Nguyễn Văn Trương cũng chặn bắt được thuyền tuần tra của Tây Sơn do Đô ty Nguyễn Văn Độ chỉ huy và từ đó khai thác để lấy được mật lệnh. Nhờ mật lệnh này Nguyễn Văn Trương đã cải trang đội chiến thuyền của mình thành tàu chiến của Tây Sơn và vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong đốt phá. Chính 2 nhánh quân thủy bộ này là chìa khóa quan trọng để đảo ngược thế cờ tại Thị Nại.

Đô đốc Võ Văn Dũng đang trấn giữ ngay cửa biển thì thấy phía sau bị đốt phá liền đổi hướng 3 đại chiến hạm Định Quốc quay vô tiếp cứu. Lúc này hạm đội chủ lực của Lê Văn Duyệt và Võ Duy Nghi được lệnh tổng lực tấn công vào mặt trước.

Tuy đã bị 1200 quân vây đánh dữ dội, nhưng các hải đồn của Tây Sơn vẫn liên tục nã hải pháo xuống các chiến thuyền của nhà Nguyễn đang lao nhanh vào cửa biển. Và một trong những hải pháo này đã khiến tướng Võ Duy Nghi tử trận tại chỗ, thấy chủ tướng tiên phong của mình tử trận, viên tướng điều khiển chiến hạm hoảng hốt dừng lại. Lê Văn Duyệt thấy vậy liền cho chém ngay viên tướng đã thiếu can đảm và đốc quân bất chấp mưa tên lửa đạn lao tiếp lên trên.

Bị áp đảo cả mặt trước và mặt sau, 3 đại chiến hạm “Định Quốc” của Tây Sơn lần lượt bị hạm đội của Gia Định bắn chìm. Thấy 3 soái hạm chỉ huy của mình bị hạ, các chiến hạm Tây Sơn ở phía sau thoáng một phút chần chừ, nhưng tất cả đã muộn, hạm đội của nhà Nguyễn tràn vô dùng hỏa công liên tục bắn phá các mục tiêu. Do đã tính toán kỹ từ trước, nhờ thuận hướng gió nên hỏa công của nhà Nguyễn phát huy tác dụng tối đa, lửa cháy phần phật từ thuyền này lan sang thuyền kia.

Cả Thị Nại sáng rực trong ánh lửa và chìm ngập trong tiếng đại pháo cũng như tiếng reo hò rầm trời của binh sĩ hai bên.

...

Thủy chiến Thị Nại

9 comments On Thủy chiến Thị Nại – P2: Diễn biến

  • đọc bài này tôi chỉ thấy sự tiếc nuối cho Tây Sơn cũng như Quang Trung Nguyễn Huệ. Tôi ko thiện cảm với Nguyễn Ánh cho lắm, đơn giản là ông ta đã từng “suýt” bán nước. Không từ thủ đoạn để dành được mục đích của mình học cái tốt thì ổn thôi nhưng ko nên đưa quân đội nước ngoài vào việc tranh giành địa vị. Nếu Quang Trung không mất sớm và nếu Tây Sơn không chia rẽ thì có lẽ Việt Nam đã khác….

  • Hay qua
    Cam on ban nhieu

  • Pingback: Thủy chiến Thị Nại – P3: Những thiên anh hùng ca | Apo's Blog ()

  • Cảm ơn Apo thật nhiều nhé! chị cũng là người rất thích tìm hiểu về lịch sử của Việt Nam nhưng để tìm được những bài viết mạch lạc,dễ hiểu như của Apo thì thật khó và hiếm,mong rằng em sẽ có nhiều bài viết hay nữa nhé.
    Trận chiến này mà được dựng thành phim “lịch sử đúng nghĩa” thì thật hoành tráng khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng… nhưng tiếc rằng VN mình chưa làm được.

    Cách đây vài tháng chị đang lang thang trên mạng, vô tình đọc được bài giới thiệu+ xem demo về căn hộ Belleza và đọc một vài bài viết của em, nên rất thích cách dùng từ cũng như cách diễn giải vấn đề thật tự nhiên và gần gũi. Thật ngưỡng mộ Apo về kiến thức lịch sử cùng với nguồn tài liệu mà em tham khảo…
    THANKS APO!

    phamhoamai

  • Đọc loạt bài mới hiểu được tường tận cuộc chiến này. Cám ơn Apo.
    Trung Quốc bây giờ cũng hay dùng chiêu như Gia Long: mua đồ cũ về nghiên cứu và hiện đại hóa cho riêng mình.

  • Nói ngoài lề chút nha anh: Thật ra em cũng ủng hộ nhà Nguyễn ở một số quyết định khai hoang mở rộng đất nước, chỉ hơi tiếc là nhà Nguyễn chưa kịp có cách chào đón những cái mới ở phương Tây, không tận dụng được rồi cuối cùng bị phụ thuộc…âu cũng buồn

    • Nhà Nguyễn thời Gia Long rất cởi mở với phương Tây, chỉ đến thời Minh Mạng thì do một số cuộc khởi nghĩa có sự hậu thuẫn của các cha sứ truyền giáo người phương Tây thì mới bắt đầu có sự nghi kỵ và khoảng cách mâu thuẫn ngày một lớn dẫn đến việc hạn chế giao thiệp với phương Tây. Xét về nhiều phương diện, điều kiện và nhận thức thời đó, thì việc đóng cửa với Phương Tây là điều không quá khó hiểu, và chưa chắc nếu không phải là triều Nguyễn thì những triệu đại cầm quyền khác có tránh khỏi hay không.

      Việc mất nước vào tay Pháp còn dựa vào nhiều yếu tố chứ không phải tất cả lỗi là ở nhà Nguyễn em ạ. Vua Tự Đức theo anh không phải là một vua bạc nhược, ngược lại ông rất cần chánh và hiếu nghĩa. Khi Pháp tiến chiếm thì cũng không phải ngày một ngày hai mà chiếm được.

      Thiệt ra chủ đề công và tội của nhà Nguyễn vẫn còn là chủ đề mà các nhà sử học đang tranh luận rất nhiều. Anh em mình lót dép ngồi hóng hớt thôi 😀

      Anh có viết một bài về nhà Nguyễn, sang đó anh em mình thảo luận tiếp hen.

  • Loạt bài viết tuyệt quá anh, đọc đến phần này mới hiểu anh mê sử đến vậy 🙂 Mong chia sẽ với anh vài điều

    1.Anh có thể chia sẽ một số tài liệu anh tham khảo về cuộc chiến này được không ạ?

    2.Đây chỉ là cảm nhận cá nhân của em, đọc những phần anh viết xong…có cảm giác là anh hơi ưu tiên cho triều Nguyễn đó nha 🙂 hihi

    • Sử nước mình hay lắm em ạ, càng đọc lại càng thấy mê!

      1. Sau khi kết thúc bài số 3 anh sẽ liệt kê những nguồn sử liệu mà anh đã tham khảo.

      2. Không thể phủ nhận những tình cảm anh dành cho vua Gia Long và nhà Nguyễn. Nhưng khi viết bài này anh cố gắng viết trung lập nhất có thể, vì cả 2 bên đều là những người chỉ huy, những tướng tài giỏi mà anh yêu thích. Tuy nhiên trận này là trận thắng của nhà Nguyễn nên sẽ không tránh khỏi việc mô tả nhiều về các tình tiết của nhà Nguyễn 🙂

Trả lời cho phamhoamai Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer