Viết cho Huế – Địa danh và lịch sử

Như trong bài trước tôi đã viết, Huế có quá nhiều di tích, quá nhiều thắng cảnh để ta đến thăm và thưởng ngoạn. Có nhiều cách để đi những nơi này, nhưng cách mà tôi thường hay đi nhất là thuê một chiếc xe máy ở khách sạn, rồi cứ thế tự đi, mua một tấm bản đồ hoặc đơn giản là hỏi đường là ở đâu cũng có thể đến được.

Trong phạm vi bài viết này tôi không có ý định viết về tất cả những thắng cảnh của Huế mà chỉ nói về một số những nơi tiêu biểu mà tôi thích nhất.

Khác với Đà Lạt, ở Đà Lạt tôi hiếm khi ghé thăm những điểm du lịch, ở Huế có những điểm du lịch, di tích mà tôi rất thích và gần như lần nào đến Huế tôi cũng ghé qua những nơi này.

Nơi đầu tiên chắc chắn là Đại Nội, nhưng trước khi nói về Đại Nội, có một điểm nhỏ tôi muốn nói qua trước vì thấy nhiều người thường hay lầm và đôi khi dùng lẫn với nhau, đó là về vấn đề tên gọi Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Kinh Thành Huế là toàn bộ khu vực được bao bọc bởi vòng thành đầu tiên, chính là cái vòng tường có cột cờ thật lớn (gọi là Kỳ Đài) . Ngày xưa cả kinh thành chỉ có bấy nhiêu (không rộng bao la bát ngát kiểu Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ). Kế đến là Hoàng Thành (còn gọi là Đại Nội) nơi tập họp nhiều cung điện của triều đình nhất, đây cũng nơi mọi người thường lẫn lộn nhất là vòng thành trong cùng, thật ra bên trong Đại Nội còn có một vòng thành nữa, đó là Tử Cấm Thành và đó mới là vòng thành sau cùng. Kinh Thành là nơi ta có thể đi xe máy lòng vòng, ăn uống linh tinh… Còn với Hoàng Thành thì ta phải gửi xe rồi đi qua Ngọ Môn, sau khi qua Ngọ Môn là ta đã vào Hoàng Thành. Tiếp tục đi qua Điện Thái Hòa (nơi có ngai vàng của vua), phía sau Điện Thái Hòa ta sẽ thấy một vòng thành nữa, đó mới chính là Tử Cấm Thành, muốn vô Tử Cấm Thành thì phải qua Đại Cung Môn (chính là cái cổng mà khi vừa qua chúng ta sẽ thấy những vạc đồng).

Sỡ dĩ tôi nói kỹ về khúc này vì tôi đã từng nghe một bạn hướng dẫn viên (không biết có phải hướng dẫn viên chuyên nghiệp không – hy vọng là không) kể cho mấy người khách rằng ngay khi vào Ngọ Môn là ta bước vào Tử Cấm Thành, điều này là sai vì vào Ngọ Môn chỉ mới vào Hoàng Thành thôi. Hy vọng sẽ ít trường hợp truyền tải thông tin sai như vậy nữa, đặc biệt như trường hợp trên, truyền đạt cho những người nước ngoài.

Điện Thái Hòa trong mưa

Đại Nội là nơi tập trung nhiều cung điện nhất. Giới thiệu về nơi đây thì có lẽ cũng khá thừa nên tôi chỉ chia sẻ cách mà tôi cho là hiệu quả nhất khi đi thăm Đại Nội. Một lần nữa, trước khi đi hãy tìm hiểu thông tin về Huế càng nhiều càng tốt, thông tin về những nơi mà mình sẽ đi. Sau khi nắm được sơ bộ từng cung điện có chức năng ra sao, có những sự kiện lịch sử gì thì ta cần có 1 cái nhìn tổng quát. Sau khi vào Ngọ Môn, vô Điện Thái Hòa, đằng sau Điện Thái Hòa là một mô hình toàn bộ các công trình của Đại Nội, nhìn mô hình này ta sẽ đễ định hướng được cấu trúc của toàn Đại Nội và sẽ dễ đi hơn.

Đi Đại Nội theo tôi ít nhất là phải mất nửa ngày, đó là đi khá nhanh và lướt, còn đi kỹ thì mất cả ngày. Trong Đại Nội rất mát và thú vui của tôi là vô Đại Nội đọc sách lịch sử, không cần phải mang theo sách, trong các cung điện của Đại Nội thường có 1 góc bán các sách về Huế và nhà Nguyễn, họ bán đúng giá bìa nên không phải lo. Mua một lô sách rồi thì cứ thế mà đi tham quan, mệt thì dừng lại đọc sách và sau đó đi tiếp, chuyến tham quan nhờ đó sẽ thi vị hơn nhiều dù cho là đi 1 mình.

Tự sướng một tấm “thô thiển” :”>

Sau Đại Nội thì đến các lăng tẩm, lăng thì cái nào tôi cũng thích vì cái nào cũng có lịch sử riêng của nó, tuy nhiên nếu phải chọn ra 3 lăng mà tôi thích nhất thì sẽ là:

Lăng tẩm ở Huế (trong hình là Lăng Minh Mạng)

Lăng đầu tiên là Lăng Minh Mạng – đây là lăng mà tôi cho là đẹp nhất trong tất cả các lăng hiện nay, vua Minh Mạng cũng là một trong những vua tôi rất thích. Dưới triều đại vua Minh Mạng, nước Việt Nam phát triển rất rực rỡ và tôi cho rằng ông là một trong những vua giỏi nhất của Nhà Nguyễn sau vua Gia Long (chỉ là quan điểm cá nhân). Nếu như Vua Gia Long có công xây dựng nên nền móng của vương triều thì chính vua Minh Mạng là người từ những nền móng đó phát triển nước Việt lên thành một trong những cường quốc trong khu vực khi đó.

Lăng thứ 2 mà tôi thích là Lăng Tự Đức, mặc cho nhiều ý kiến khen chê vua Tự Đức (dưới triều vua Tự Đức, thực dân Pháp bắt đầu tấn công và đô hộ nước ta – lịch sử vẫn thường quy trách nhiệm việc này là do vua Tự Đức bất tài). Dẫu vậy tôi vẫn cho vua Tự Đức là một trong những vua tốt. Ông nổi tiếng là người chăm chỉ các công việc điều hành đất nước, ông thiết triều từ rất sớm và sau khi bãi triều ông lại tiếp tục nghiên cứu và phê chuẩn các bản tấu, có những bản lời phê của ông cặn kẽ, chi tiết còn dài hơn cả các bản tấu. Ông cũng là người rất có hiếu với mẹ (là bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ). Có rất nhiều giai thoại về việc hiếu nghĩa của vua Tự Đức mà nếu kể hết ra đây chắc có lẽ bài này sẽ dài lê thê, một dịp khác  viết riêng về vua Tự Đức tôi sẽ viết những chuyện này.

Vua Tự Đức thích thơ văn nên lăng của ông cũng rất hữu tình, bước vào lăng, bên phải có một hồ nước rất thơ mộng gọi là hồ Lưu Khiêm với nhà thủy tạ bên trên (gọi là Lưu Khiêm Tạ). Tôi đã từng ngồi ở đây hàng giờ liền trong một cơn mưa buổi chiều (vì có đi tiếp cũng không được – đang mưa mà 😀 ), ngồi đó tưởng tượng ngày xưa vua Tự Đức cũng ngồi như thế, ông chọn nơi này thật quá thi vị và lãng mạn, nhưng mà cũng buồn quá. Có lẽ nơi đây cũng là nơi vua đã ngồi trầm tư suy nghĩ về trách nhiệm chưa tròn của mình với non sông. Tôi nhớ hoài câu nói của ông trong một cuốn sách: “Tội của trẫm với non sông hãy để cho lịch sử phê phán”.

Cá nhân tôi không thích cách quy tất cả trách nhiệm cho vua Tự Đức, nước Việt Nam ta lúc đó chỉ theo một hình mẫu duy nhất là Trung Quốc, khi giáp mặt một kẻ thù vượt trội về kỹ thuật và vũ khí đến từ phương Tây như Pháp, việc bị hụt hẫng là điều không tránh khỏi và cũng nên lưu ý rằng không phải Pháp chiếm được nước ta trong ngày một ngày hai, mà từ ngày nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng cho đến khi vua Tự Đức đặt bút ký nhượng ba tỉnh Nam Kỳ cho Pháp cũng ròng rã gần 4 năm. Cá nhân tôi thích vua Tự Đức, nhưng vì khuôn khổ bài này đang nói về Huế nên không lạm bàn nhiều về vấn đề này.

Lăng thứ 3 là một lăng ít người lui tới, vì nó quá xa, đường đi lại khó. Đó là Lăng Gia Long, vị vua tôi thích nhất của vương triều Nguyễn. Muốn đến được lăng Gia Long thì có 2 cách, 1 là thuê thuyền đi, 2 là thuê xe máy tự đi như cách của tôi. Cách đi bằng xe máy thú vị hơn nhiều nhưng cũng gian nan hơn, đặc biệt là mùa mưa như tôi đã đi. Từ lăng Khải Định (tui không thích lăng này), đi thẳng đến hết đường gặp bờ sông thì rẽ tay trái, cứ thế đi cặp bờ sông, đi mãi đi mãi, để ý bên phải ta sẽ gặp một bến đò, từ đây đón đò (thường thì phải đứng chờ cũng khá lâu vì đò ít người đi), qua đò tiếp tục rẽ phải đi men theo bờ sông, con đường lúc này chỉ là những con đường làng, rất nhỏ nhưng cũng rất đẹp, cứ đi mãi ta sẽ đến một ngã rẽ bên tay phải (tốt nhất là nên hỏi đường vì rất dễ đi lố). Từ đây đi thẳng vào ta sẽ đến quần thể lăng Gia Long. Ở đây gần như chưa có ai khai thác du lịch, vì vậy cũng rất ít du khách nên mọi khung cảnh còn y nguyên, tiếc rằng từ “y nguyên” ở đây không phải là y nguyên như xưa, mà là y nguyên đổ nát không có ai quản lý. Nếu hôm nào xui thì cũng chẳng có ai mở cửa để bạn vào xem lăng mộ vua Gia Long (vì cửa khóa, mà người mở cửa thì chẳng thấy đâu), tôi phải đến đây lần thứ 2 mới vô được. Dẫu sao đây cũng là một nơi rất đáng để đến, vua Gia Long đã chọn vị trí này rất kỹ, có đầy đủ tiền án (là dãy núi phía trước mặt), hậu chẫm, thế đất rồng chầu hổ phục và trên cả là phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây rất đẹp. Hãy đến thăm lăng Gia Long và trước khi đi nhớ tìm hiểu thật nhiều thông tin về vị vua này 🙂

Mới viết có 3 lăng thôi mà bài đã dài lê thê rồi, ở Huế còn rất rất nhiều di tích khác nữa mà có lẽ tôi nên để tự mọi người tìm hiểu.

Đường làng ở Huế

Ngoài những di tích, còn có một thu vui khám phá ở Huế mà tôi cũng rất thích, đó là chạy xe đi lang thang khắp dọc những con đường ở Huế. Những con đường ngoại ô ở Huế theo tôi là cực đẹp, vô cùng thanh bình và nhẹ nhàng, cứ đổ đầy bình xăng rồi cứ thế lang thang khắp nơi, đó cũng là một cái thú rất hay.

Cũng thật thiếu sót nếu nhắc đến Huế mà không nhắc đến một chút ẩm thực.

Ở Huế rất nhiều món ăn ngon, nhớ hôm đầu tiên đến Huế, cũng do may mắn, lần đó khách sạn Hương Giang tổ chức ngày hội ẩm thực, đầu bếp phục vụ những món ăn đậm chất Huế, tôi còn nhớ hôm đó dù đã ăn rất nhiều món rồi tôi vẫn cố ăn thêm nữa vì quá ngon, đến mức khi ăn xong tôi chỉ “nằm thở” theo đúng nghĩa đen.

Nhưng ăn trong khách sạn sang trọng không phải là cách để thưởng thức các món ăn ở Huế, mà cái thú chính là đến những quán bình dân. Món đầu tiên trong thực đơn của tôi khi đến Huế bây giờ là Cơm Hếnm món ăn mà phải ăn đến lần thứ 2, thứ 3 mới cảm nhận được cái độc đáo của nó. Ăn cơm Hến thì nên đến quán Bến Đập, ta đi dọc theo đường Lê Lợi về phía Thôn Vĩ Dạ, đi một lúc qua một con đập thì rẽ tay phải ngay, rồi đi mãi đi mãi đến khi sắp chui qua 1 con đường thì quán này nằm bên phải, quán này ngon nhất.

Và còn nhiều nữa những món như bánh canh cá lóc, bún bò, bún nem bên làng Kim Long… Ngoài ra còn có chè, ở Huế có rất nhiều loại chè, thiên đường cho kẻ hảo ngọt như tui, chè đậu đen, đậu xanh, đậu trắng… đủ cả. Đặc biệt có 1 loại chè “quái dị” mà tôi không ăn được nhưng thấy rất nhiều người thích, đó là chè Lọc Quay (bên ngoài là bột lọc bọc lấy bên trong là cục… thịt quay :-s ), nói chung nếu chưa thử thì mọi người nên thử cho biết, tui thì tui không ăn được món này. Quán chè nổi tiếng nhất ở Huế là quán chè Hẻm nằm trên đường Hùng Vương.

Một đặc điểm nữa là các món ăn ở Huế thường rất ít, bởi vậy một bữa tối của tui khi ở Huế thường là: ăn 1 tô cơm Hến ở Bếp Đập, quay trở ra ăn một tô bánh canh cá lóc ở cồn Hến, rồi chạy sang Kim Long ăn một lô bún nem nướng và kết thúc bằng vài ly chè ở Chè Hẻm 😐 (tui nhớ khi tui nhắn tin danh sách những gì tui vừa ăn về cho ông bạn, ổng trả lời lại đơn giản có mấy chữ: ăn gì như heo :)) )

Còn nhiều vấn đề nói về ẩm thực ở Huế nữa mà vì bài dài quá rồi, ngắt ra làm 2 rồi mà vẫn còn dài nên một dịp khác tôi sẽ viết nhiều hơn về ấm thực.

Huế là một tài sản quý giá của nước Việt, của mỗi người dân Việt, nhưng tiếc là cách khai thác du lịch hiện nay ở Huế vẫn còn nhiều điều chưa tốt. Cách quản lý và trùng tu những di tích hời hợt, nhìn cách người ta dùng xi măng đắp vào những vách tường gạch, rồi dùng sơn đỏ quét lên các cây cột sơn son… thấy xót xa, rồi cảnh xích lô chèo kéo khách, đôi khi đi theo khách hàng đoạn dài, cách kinh doanh gian dối của một số người, tôi biết rằng chi là số ít nhưng sẽ để lại ấn tượng xấu trong lòng du khách. Đây cũng là điều làm cho những người yêu Huế thấy buồn. Mong rằng sắp tới người ta sẽ có cách nào đó để quản lý hiệu quả hơn.

Tôi đã đến Huế nhiều và sẽ còn đến Huế nhiều nữa, cứ mỗi khi về Huế tôi lại thấy mình như lùi về một nơi nào đó của mấy chục thậm chí mấy trăm năm trước. Yên bình và trầm lắng, Huế gắn liền với nhiều kỷ niệm của tôi, đơn giản đến Huế chỉ để ngồi trên hiên chùa Thiên Mụ mà ngắm dòng sông Hương yên bình, mờ mịt trong mưa.

Viết cho Huế,
Tháng 6/2010

32 comments On Viết cho Huế – Địa danh và lịch sử

  • Anh ghé về thăm Huế, một chiều mưa bay bay
    Rồi anh đi biền biệt, để Huế nhớ Huế sầu, để Huế héo Huế gầy ( tự nhiên thấy câu hát phù hợp trong thời điểm này)
    Là một người con của xứ Huế mà bây giờ đọc những chia sẽ này của anh mới biết về những di tích lịch sử, cám ơn anh vì những kiến thức lịch sữ sâu sắc.
    Có dịp mời anh lại ghé thăm Huế, có thể sẽ không như anh mong chờ nhưng ở đâu thì cũng phải thay đổi và phát triển theo một cách nào đó. Tuy vậy những di tích lịch sử, ẩm thực và con người ở Huế thì vẫn vậy.
    Cá nhân em thì thích những trải nghiệm về các vùng quê, không khí trong lành, cảnh vật bình yên, con người gần gũi, thân thiện ( ví dụ như vùng Phá Tam Giang, hay lên vùng cao A lưới 🙂
    Hy vọng Huế sẽ được nhiều người biết đến và ghé thăm ☘️

    3
  • Quê tôi ở huế và ra hếu đã chừng 10 lần rồi .

  • Đọc mà thèm về lại Huế quá anh ơi. Em cũng đến Huế chừng 5 lần rồi, trong đó hết 3-4 lần là đi chơi mà vẫn muốn quay lại. Chưa có chỗ nào mà em thấy lưu luyến và thân thương như Huế.

  • Bạn có thông tin về Đình Huệ An phường Thuận Hòa không cho mình tham khảo với

  • vit dang phai lam bai ve hue ma ko bit viet tn..hixx lam the nao de co bai viet hay ve dai noi o hue bgio…oaoa

    1
  • Đỗ Việt Cường

    Cảm ơn những gì bạn đã viết. Thực sự ấn tượng với những gì bạn đã đi qua và ghi nhận. Nếu có dịp, ra HN, alo o9.I3.49.56.78. Với sự chia sẻ và đồng cảm!
    Thân ái!

  • tôi cũng thích huế đơn giản vì nó thật yên bình và thơ mộng. tôi rất nuốn trở lại…

  • Vừa rồi em cũng có 1 chuyến đi Huế khá thú vị theo kiểu “phượt” bằng xe máy đúng nghĩa. Cái quán cơm Hến “Bến Đập” thì thật sự là quán đó bà chủ bảo không có tên. Mới đầu em đi tưởng đâu lộn quán, ai dè đi sâu vô trong “đi mãi, đi mãi” cả 5km cũng hổng thấy cái quán nào khác ;)) chổ quán đó có cây cầu bắt ngang con đường ở dưới và ngang qua sông luôn. Cây cầu đó nằm trên đường Bà Triệu – đường ra biển Thuận An.

    Em cũng có mò ra lăng Gia Long thử, ra tới bến đò đứng đợi rã cặp giò xong thì có cô bé đi ngang qua bảo: “chú đi mô…??? đò hum ni ko có” =))

    Có một chổ em vừa khám phá ra cũng rất hay. Chổ cồn Hến, đi lên trên nữa chừng 1km có 1 cây cầu gỗ bắt qua cồn. Chạy xe máy qua đó, đi giữa những con đường làng rợp bóng tre và gió từ sông Hương thổi vào sẽ đem lại một cảm giác thật yên bình và thoải mái. . . 🙂 (Em đi ngay mùa gió Lào nhưng vẫn rất mát)

    1
  • o Huế ma mấy lan minh nghi dc the nay co may lan de y chut nho roi wen di noi minh sinh ra bit no dep den chung nao..de den khi dung lai o bai viet cua ai do lai chanh long nho we wa

  • Hạnh Uyên

    Chào Anh! Em đã đọc hết cả mấy bài anh viết cho Huế, Em là người Huế, đã quen với việc nghe những lời ca tụng về quê hương của mình, nhưng không hiểu sao khi đọc những bài viết của anh em thấy sự thân thuộc ẩn trong từng câu chữ.. Như anh cũng chính là một người con của Huế giống em vậy!Qua những dòng cảm xúc của Anh em như thấy Huế mình đẹp hơn nhiều lắm! Cám ơn anh rất nhiều…

  • DEN HUE CHOI MA MUA THI THCH LAM, CON O HUE ROI MUA LA KHOC LUON

  • Nghe anh nói mà em muốn đi lăng Gia Long quá. Em sắp đi Huế (1/6) nhưng là đi theo tour nên chắc ko ra đc rồi. Tiếc quá đi~~~~ TT___TT Huhuhu mấy khi đc đi Huế mà ko đc đi thăm lăng Gia Long~~~~ TT___TT Giá có ai ở Huế dẫn mình đi……. TT_______TT

    Hic, mải nói mà quên ko cảm ơn anh vì bài viết. >.<

  • Anh ơi nghe nói là hoàng hôn ở lăng Gia Long đẹp và nhiều xúc cảm lắm. Nếu anh thích Gia Long và thích lăng của người ấy thì thử kiểm chứng đi, có lẽ sẽ không uổng phí công sức đâu.

  • Em cũng đã từng đi thăm lăng Gia Long, đây cũng là vị vua em thích nhất trong vương triều Nguyễn nói riêng và cả chiều dài lịch sử nước ta nói chung.

    Hình như anh đi thăm trước năm 2000 đúng không. Em đi tầm năm 2008. Lăng Gia Long về cơ bản vẫn là như thế, an tĩnh, hư hại, nhưng điều đáng mừng là đang dc trùng tu. Hiện nay thì em ko biết nó trùng tu thế nào rồi, cơ bản là em không thích lắm cách trùng tu bê tông vữa gạch đó, nhưng biết làm sao được

    Phải nói là khung cảnh nơi này rất đẹp, đẹp một cách bình yên, cho em cảm giác đúng nghĩa của sự an nghỉ cho một cuộc đời buôn ba chinh chiến quá mệt mỏi, nhưng công lao thì không dc ghi nhận gì cả. Đến đây, thật sự thấy buồn.

    Có lẽ năm sau em sẽ trở lại Huế, rất muốn được thăm lại nơi này. Em còn muốn ngắm bình minh và hoàn hôn nơi đây, nhưng có vẻ như, điều này rất khó, vì đi lại không tiện.

    Em rất thích blog của anh, cách nhìn nhận của anh ^^

  • quynh nguyen

    tìm tài liệu cho chuyến đi thực tế và tình cờ đọc bài viết này của anh H. Thấy hay và thú vị….Chúc anh luôn thành công.

  • ồ,không ngờ a ko ở Huế mà lại nắm rõ những cảm xúc dặc trưng của Huế như rứa,a viết hay lắm,cám ơn a vì điều nớ hí,hihi,chắc thấy cách viết của e a cũng biết e ở mô rùi hí,e ở ngay làng kim long lun đó a,ở kim long cũng có quán bún hến ngon lắm đó a,khi nào tới Huế lại a ghé ăn thử hí,quán đó gần nhà e đó,nếu có duyên,có khi chúng mình gặp nhau thì răng a hí^^

  • LANG THANG INTERNET VA GAP BLOG CUA A. THAT SU RAT XUC DONG KHO A CO MOT LOAT BAI VIET VE HUE- QUE HUONG CUA TOI. NAM TOI VE THAM QUE LAN DAU TIE, TOI LA MOT CO BE 8 TUOI, MOI THANG TRUOC TOI TRO LAI HUE SAU 17 NAM XA CACH- CAM GIAC VAN BINH YEN LA THUONG, VAN NGUYEN VEN NHBU XUA DU HUE GIO DAY DA PHAT TRIEN. TOI YEU TUNG NGOX GOC O HUE DU KO SINH SONG O DO, CO LE DO TINH QUE HUONG.GIO DAY TOI RAT MUON TRO LAI HUE, NEU CO THOI GIAN THI HUE SE LA NOI TOI CHON DEN VA DA LAT VAO MUA QUY HOA NO. THAT SU TOI DA BAT GAP SU TUONG DONG DAU DO TRONG BLOG CUA A. RAT CAM ON A VA MONG RANG SE DUOC DOC NHIEU BAI HON NUA VE NHUNG DIA DANH TUYET VOI TREN QUE HUONG VIET NAM.
    CHUC A LUON MANH KHOE, YEU DOI VA LUOBN LAM PHONG PHU TAM HON NGHE SI CUA MINH NHE.

  • Phương Thủy

    Đồ ăn ở Huế món mô cũng nhỏ nhỏ xinh xinh thôi, bánh gai ở Huế bằng một góc bánh ở vùng khác, chè thì cũng chỉ có tí xíu. Nghe người lớn nói là chỉ ăn hương hoa thôi. Nếu anh thích ăn chay thì quán Liên Hoa đường Lê Quý Đôn nấu cũng ngon

  • Doc nhung bai viet cua ban, toi rat thich va kham phuc. Rat cam thong voi nhung y nghi rieng tu, nhung chan tinh ma ban danh cho con nguoi va que huong. Xin cam on va chuc suc khoe.

  • Góp chút cho vui

    Chỗ Đập Đá đó người ta chỉ xây một cái đập, nếu đứng ở ks Hương Giang nhìn xuống thì bên trái là sông Hương, bên phải là sông Như Ý (nước hay bị mặn), có mấy quán cafe, ai ở Huế cũng có tới dó ngồi và cảm nhận

    Nói về trùng tu, cũng có nhiều trường phái trùng tu. Có hai trường phái đang được sử dụng ở miền Trung: một là sử dụng chất liệu thật như ngày xưa để trùng tu để bảo vệ tính nguyên bản, hai là phải sử dụng các vật liệu hiện đại để đánh dấu sự tác động các thế hệ sau. Cách thức thứ 2 lý luận rằng nếu dùng các chất liệu xưa cũ thì sẽ là sự lừa dối người tham quan, lừa dối hậu thế và không đánh dấu được sự tác động của các chặng thời gian khác nhau. Khi Hiếu vào lăng Minh Mạng, thấy sơn phết hoành tráng, thì đó là sơn lại bằng sơn hiện đại, nhưng khi đứng ở điện thờ vua, chắc hẳn sẽ thấy bên phải là một phần không được sơn quét, đó là phần “origin” từ 1843, là để so sánh và thấy được cái thật giũa muôn phần trung tu bằng chất liệu hiện đại. Vì thế mà không trách khi người ta trét xi măng vào một số chỗ

    Còn chuyện mấy cây sứ, thì đau lòng thực. Cũng giống như lăng tẩm của các vị vua Hiếu vừa kể, ngta cất lư hương đi và đưa diễn viên vào nằm ưỡn ẹo đóng cảnh hậu cung của nhà Lý, cũng đau lòng không kém

    Huế là một phần máu thịt của mình, cũng muốn chia sẻ đôi chút cho vui

  • Heh.Anh nỡ, thiệt ra cái ” Bến Đập” được đề cập trong bài được gọi là “Đập Đá” ở Huế. Con đường bún Hến đó có tên là Hàn Mặc Tử. Heh.Còn di tích ở Huế được sửa sơ sài là do Huế nghèo lắm, chưa có kinh phí đó.Thời tiết thì khắc nghiệt, mưa dầm dề thấu đất thấu xương nên công trình bị hư hỏng đó anh nỡ.Hix.

    • À à, đúng rồi. Linh nhắc mới nhớ, chỗ khúc đó gọi là “Đập Đá” (không phải Bến Đập). Cảm ơn em!

  • Tình cảm của mình với Huế cũng giống hệt Apo vậy. Đợt vừa rồi vào Huế mình cũng một mình một xe đi lên chùa Huyền Không Sơn Thượng 2. Mình cũng thích “ngồi trên hiên chùa Thiên Mụ mà ngắm dòng sông Hương yên bình, mờ mịt trong mưa”

  • Bánh Khoái ở Huế cũng rất ngon, có vài quán bán trên đường Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo gì đó. Ăn thử đi…

  • Đúng là cách khai thác và quản lý du lịch ở Huế còn chưa tốt. Nếu anh Hiếu có dịp về Huế những năm đầu 2000, thì sẽ thấy sự cố gắng nỗ lực rất lớn của du lịch TT-Huế. Bây giờ khi ra khỏi Đại Nội, trước sân Cột Cờ du khách được đi rất là thoải mái. Ngày xưa khi anh vừa bước chân ra khỏi Đại Nội,y như là một vòng vây chèo kéo bao vây lấy anh.
    Cảm ơn anh với bài viết về Huế, những người con của Huế đôi khi còn không hiểu tường tận về Huế như anh đâu. Trân trọng.

    • Ồ thế hả Trang, những năm 2000 thì anh chưa có cơ hội đến Huế. Vậy là bây giờ cũng đã tốt hơn xưa nhiều rồi nhỉ. Nhắc đến sân trước cột cờ, hôm rồi đọc báo nghe tin người ta đốn mất hàng cây sứ, tiếc xót cả ruột 🙁

      Cảm ơn em đã đọc và comment.

      1
  • Bài viết rất hay, cám ơn a Hiếu đã chia sẻ. Em thì chưa đến Huế lần nào nhưng rất thích mọi thứ thuộc về Huế và sẽ nghiên cứu nhiều về nơi này. Sẵn nói về Huế, a Hiếu thích Huế, mưa Huế thế thì các ca khúc viết cho Huế thì sao nhỉ? “Mưa trên phố Huế” – ca khúc e được nghe từ lúc nhỏ, bây giờ nghe lại nhớ đến những ngày mưa dầm dạo ấy.

    • Những ca khúc về Huế thì anh thấy bài nào cũng hay, nghe thích lắm. Cái cảm giác ngồi trên sông Hương nghe những bài về Huế thì tuyệt vời. (Nhưng việc khai thác này hiện tại còn nhiều điều bất cập quá, anh từng bị 1 ấn tượng khá xấu khi đi xem ca Huế trên sông Hương). Thôi thì vẫn hy vọng.

      1
  • ở Huế còn có món bánh ướt cuốn thịt nướng khá ngon mà ko thấy Apo đề cập tới.. lần nào ra Huế cucarot cũng phải ăn 2 món là bánh ướt thịt cuốn thịt nướng và bánh khoái. Chỉ có 1 quán bán món bánh ướt thịt nướng ngon là quán Huyền Anh trong hẻm trên đường Kim Long hướng lên Chùa Thiên Mụ.

    • Chính là cái quán bún thịt nướng ở Kim Long mà Hiếu nói trong phần ẩm thực đó K. Công nhận ở đó ngon thật 😀

    • Mình cũng cực khoái món bánh ướt cuốn thịt nướng :X. Lần nào vào Huế cũng phải vác xe đi lùng cho bằng được. Nước chấm món này thơm, bùi, ngậy, ăn với thứ rau thơm đặc trưng của Huế thì không gì sánh bằng.

      Ôi anh Hiếu làm em nhớ những ngày lang thang ở Huế quá :(( Những buổi tối ngồi cafe Thảo Nguyên 7 ngàn/cốc bên bờ sông Hương, những ngày phi xe hơn 20km dọc sông Hương từ Chùa Thiên Mụ lên đến lăng Minh Mạng, nhớ chè Hẻm, bún bò, cơm chị Tẹo, nhớ bánh Huế,…nhớ giọng con gái Huế nhẹ nhàng, thùy mị đến nao lòng…

  • Bài viết hay qúa bạn ạ! Chúc bạn cuối tuần vui vẻ 🙂

Trả lời cho Linh Bỏ trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer