Làm việc từ xa

Trong hình là một trong những quyển sách yêu thích của tôi: Remote (Làm việc từ xa) – của tác giả Jason Fried và David Hansson.

Tôi đọc quyển sách này ngay khi nó vừa được xuất bản vào năm 2013. Bảy năm trôi qua, mấy hôm nay chủ đề làm việc từ xa bỗng nhiên được bàn luận sôi động, khi vô tình nó trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của các công ty.

Có câu nói vui: “Khi nước cạn thì mới biết ai không mặc quần”. Khi cả thế giới lâm vào tình huống buộc các công ty phải làm việc từ xa, thì các doanh nghiệp không có năng lực này mới lộ rõ những lúng túng.

Cá nhân tôi xưa nay luôn cho rằng mô hình làm việc tập trung đã lỗi thời và chỉ còn phù hợp với một số ngành đặc thù. Còn lại đa số những ngành khác thì làm việc từ xa hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả tương đương (hoặc thậm chí là hơn). Có rất nhiều lý do, trong bài này tôi liệt kê một vài.

1.

Hàng ngày, để có được vài tiếng làm việc hiệu quả ở công ty thì nhân viên của chúng ta đã phải tốn bao nhiêu thời gian đánh vật với việc lái xe (hoặc đi trên các phương tiện công cộng) để đến được chỗ làm. Thay vì một buổi sáng thức dậy, pha ly cà phê và ngồi vào bàn làm việc.

Và khi đến công ty rồi thì họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để làm những việc khác, cho đến khi có thể thực sự bắt tay vào công việc.

2.

Chắc chắn đã có lần chúng ta thấy vài nhân viên đến công ty thật sớm. Khi được hỏi lý do thì họ trả lời rằng để tranh thủ tập trung giải quyết một số việc khi công ty còn vắng.

Hoặc là chính những người quản lý, chắc chắn đã có lần phải chạy ra quán cà phê, hoặc một nơi nào đó ngoài văn phòng, khi muốn tập trung giải quyết một việc gì đó quan trọng.

Điều đó có nghĩa là văn phòng đã không còn là nơi hiệu quả để chúng ta có thể tập trung làm việc.

3.

Có người sẽ hỏi: “Vậy làm sao đảm bảo rằng các nhân viên sẽ thực sự làm việc khi họ không có mặt ở công ty?”

Đầu tiên, nếu đã không có niềm tin ở nhân viên đến mức đó thì rõ ràng tổ chức của chúng ta đang có vấn đề. Và chắc chắn giải pháp để khắc phục vấn đề đó không phải bằng cách ngồi “canh” nhân viên của mình.

Thứ hai, phải đặt ngược lại câu hỏi: “Có gì đảm bảo là nhân viên sẽ làm việc khi họ ở văn phòng?”

Một khi nhân viên đã không có đủ động lực để làm việc thì họ sẽ có trăm ngàn cách để tỏ ra rất bận rộn nhưng thật ra họ đang không làm gì cả. Và nếu chỉ chăm chăm đo hiệu quả công việc bằng cách nhìn xem họ có đang làm việc hay không – thì chắc chắn đó không phải là một cách đo hiệu quả.

Ngược lại, khi làm việc từ xa thì chỉ có một cách duy nhất để phản ánh hiệu quả công việc, đó chính là hiệu quả của những việc mà nhân viên đang phụ trách.

4.

Một ví dụ khác chính là công ty nơi tôi đang làm việc. Công ty vận hành theo mô hình tập đoàn, với nhiều công ty con bên dưới, mỗi công ty lại hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, trải dài từ công nghệ, đến bán lẻ, may mặc, nông nghiệp,…

Với quy mô như vậy, các nhân sự ở tập đoàn bắt buộc phải thường xuyên được điều động qua lại giữa các công ty con và do đó làm việc từ xa từ lâu đã trở thành một điều bình thường. Thậm chí có nhiều lãnh đạo của tập đoàn đang sống ở nước ngoài và vẫn ngày ngày điều hành mọi việc một cách bình thường.

Cũng chính nhờ vậy mà đợt này khi công ty chuyển sang làm việc từ xa thì nó chỉ đơn giản như việc gạt một cái công tắc từ A sang B.

Tất nhiên cách tổ chức nào cũng có ưu và khuyết điểm, làm việc từ xa cũng vậy. Tuy nhiên cá nhân tôi tin rằng với thời đại hiện nay, mô hình làm việc này có ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm.

Quay trở lại quyển sách trên, xưa nay tôi luôn đặc biệt yêu thích những triết lý về quản trị và điều hành của Jason Fried. Anh luôn có những hướng tiếp cận rất đặc biệt, những giải pháp thoạt nghe rất phi truyền thống – nhưng lại đi thẳng vào giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

(Không chỉ nói suông, anh đã áp dụng tất cả những triết lý đó vào chính công ty của mình và làm cho nó trở thành một công ty được rất nhiều người mơ ước làm việc).

Quyển sách này cũng không là ngoại lệ, Jason Fried offer cho chúng ta một cách nhìn mới, một hướng tiếp cận mới về cách tổ chức và điều hành công ty mà không nhất thiết phải thông qua mô hình văn phòng tập trung.

Có một điều chắc chắn là – dù muốn dù không – sau khi đợt dịch này qua đi, các công ty sẽ cần phải review lại năng lực làm việc từ xa trong tổ chức của mình.

7 comments On Làm việc từ xa

  • Chú dịch quyển này sang tiếng Việt đi ạ

    0
  • Cảm ơn bài viết của anh ạ. Sau đại dịch em cũng mới nhận ra lợi ích và tính khả thi của làm việc từ xa (mà vẫn đảm bảo hiệu quả)!

  • cảm ơn bài chia sẽ của anh

  • Em cũng đang tạm thời làm việc từ xa và mong được như lời cuối bài anh nói. Công cụ thì có sẵn, chỉ cần cởi mở thay đổi tư duy, đợt giãn cách này như phép thử, tương lai cần được training và ứng dụng rộng rãi hơn.

    8
  • Một cuốn sách hay, cảm ơn anh Hiếu đã chia sẽ

    1
  • Rất đồng tình với quan điểm của anh Hiếu! Tuy nhiêu, lựa chọn mô hình như thế nào sẽ phụ thuộc vào đặc thù của từng doanh nghiệp. Nếu chưa sẵn sàng hoặc còn vấn đề về niềm tin, công cụ thì nên cân nhắc áp dụng.

    2
  • Theo anh Ngoc Hieu thì doanh nghiệp nhỏ có nên làm việc từ xa 100% không? Em sợ bị thiếu cái khí thế, cái kiểu không khí ở sân vận động ấy anh.

    2

Bình luận của bạn:

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật.

Site Footer